Phật Học Vấn Đáp – Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam

Phật Học Vấn Đáp

(Giải đáp những nghi vấn liên quan đến pháp môn Tịnh độ)
Lý Bỉnh Nam biên soạn
Thích Đức Trí dịch

Download Phật Học Vấn Đáp pdf

Phật Học Vấn Đáp MP3

01 02 03 04 05

Youtube

 

Vài nét về Cư sĩ Lý Bỉnh Nam
Cư sĩ Lý Bỉnh Nam (1889-1986) có hiệu là Tuyết Lư, sinh
tại thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, Trung Hoa. Sau đó
ông đến định cư tại Đài Loan, và đã có trên bốn mươi năm
tu học tinh tấn và phụng sự xã hội. Ông quả thực là một
nhà tri thức có tâm huyết tham cứu Phật học và Nho học,
cống hiến cả cuộc đời cho lý tưởng hộ trì Tam bảo và xiển
dương Phật pháp.
Cư sĩ đã từng là Giáo sư trường Đại học Trung Hưng và Đại
học Đông Hải, Đài Loan. Quan điểm của Lý Bỉnh Nam là
áp dụng tinh thần Phật giáo để Phật hóa gia đình và xã hội.
Cư sĩ tiếp cận Phật pháp, nghiên cứu về Duy thức, Thiền
học, Tịnh độ và Mật tông. Sau khi quy y Tổ Ấn Quang,
chuyên tu Tịnh độ, đã trợ giúp đắc lực cho Đại sư Thái
Hư hoằng dương Phật pháp. Lý Bỉnh Nam đã đem kinh
nghiệm tu học và dấn thân vào cuộc đời phụng sự theo tinh
thần đạo Phật nhập thế. Cư sĩ luôn thực hành Phật pháp
với quan điểm tích cực, và từng tâm niệm rằng: “Hàng cư
sĩ học Phật không xa rời thế gian Pháp, phải tuân thủ đạo
lý và làm tròn bổn phận của mình, xử thế không quên tâm
Bồ-đề, cần phải hạnh giải tương ưng”. Lý Bỉnh Nam cũng
là người sáng lập Hội Liên xã Phật giáo Đài Trung, Tòa
báo Bồ-đề thọ, Viện giáo dục trẻ em Từ Quang, Thư viện
Từ Quang, Bệnh viện Bồ-đề, hội cứu tế Bồ-đề và tham gia
nhiều công tác từ thiện khác.
Lý Bỉnh Nam là một giáo sư sáng giá, một thầy thuốc tài
năng, một nhà Phật học có tâm huyết, nhưng sống như
một nhà sư khổ hạnh; tâm không dính mắc vào danh lợi
thế gian, giàu lòng bố thí với mọi phương diện, nỗ lực
hoằng dương chánh pháp và làm các việc phước thiện
trong xã hội. Đặc biệt, với khả năng tu học nghiêm túc và
khéo vận dụng tư tưởng giáo lý Đại thừa, Cư sĩ đã đem hết
nhiệt tâm giới thiệu, lý giải, chứng minh vai trò thực tế của
giáo lý Tịnh độ một cách có chánh kiến, phù hợp với các
kinh nghiệm của chư Tổ sư tiền bối và có y cứ kinh điển.
Cư sĩ Lý Bỉnh Nam vãng sanh ngày 13 tháng 4 năm 1986,
hưởng thọ 97 tuổi. Ông đã cống hiến trọn cuộc đời cho sự
nghiệp truyền bá Phật pháp trong cương vị một người cư
sĩ với đức hạnh khiêm cung, với tinh thần thượng cầu Phật
đạo, hạ hóa chúng sanh. Trong cuộc đời tu học, ông đã
trước tác nhiều tác phẩm Phật học có giá trị như: “Tuyết
Lư thơ văn tập”, “Phật học vấn đáp”, “A Di Đà kinh nghĩa
uẩn”, “Phật học thường thức khóa bổn”, “Nội kinh tuyển
yếu biểu giải”, và cũng sáng tác nhiều ca khúc Phật giáo.
Sau khi Lý Bỉnh Nam vãng sanh,
Phật học, y học, văn học được kết tập lại thành tác phẩm:
“Lý Bỉnh Nam Thuật học vựng cảo”.
Đối với người xuất gia, Cư sĩ là người hộ pháp gương mẫu,
là cánh tay đắc lực trong sự nghiệp hoằng dương Phật pháp.
Đối người tại gia, Cư sĩ là người bạn đồng hành, tu niệm
Phật có chánh kiến trong mọi hoàn cảnh. Đối với xã hội,
ông là người tri thức tiếp nhận giáo lý đạo Phật với thái độ
khách quan và thực hành Phật pháp một cách trân trọng.
Đối với sinh mệnh giải thoát, ông tu học một cách nhất
quán và thực hành tu niệm như là một lẽ sống tự nhiên. Từ
những lý do đó, những tác phẩm Phật học do Lý Bỉnh Nam
biên soạn đáng được quan tâm và xứng đáng phát hành để
làm lợi ích cho mọi người.

Vấn đáp
Câu 1
Hỏi: Từ đâu để đi đến được thế giới Tây phương cực lạc?
Trả lời: Từ tâm mà đi. Vấn đề này cần phải cẩn thận nghe
kinh hay đọc kinh điển và chú giải mới có thể hiểu biết rõ
ràng. Vì đại thiên thế giới đều do tâm tạo, Tây phương cực
lạc không ngoài lẽ tự nhiên đó. Nhưng mà cần nhận thức
rõ hai chữ “Duy tâm”. Không phải trong chốc lát mà hiểu
hết được hai chữ này, e rằng nói không hết và sẽ hiểu sai
vấn đề. Do vậy, nếu chưa rõ những nghĩa trên thì cần phải
nhẫn nại tin lời Phật dạy là không hư dối, phát nguyện
vãng sanh, thì đến lúc lâm chung nhất định sẽ được Đức
Phật A Di Đà tiếp dẫn, từ đó thoát khỏi luân hồi lục đạo,
xa rời biển khổ sanh tử. Cũng như bác sĩ kê toa thuốc, nếu
bạn muốn học đặc tính của các món thuốc đó, sau đó mới
dùng thì sẽ muộn mất rồi, làm sao mà trị lành bệnh được?

Câu 2
Hỏi: Nam mô A Di Đà Phật có nghĩa là gì?
Trả lời: Nam mô có nghĩa là quy y, kính lễ. A Di Đà Phật là
danh từ chỉ một vị Phật, còn có nghĩa là Vô lượng quang,
Vô lượng thọ. Tất cả nghĩa đó chỉ cho trí tuệ, từ bi và sức
thần thông vô lượng vô biên, ngôn ngữ không thể nói hết.
Vấn đề này cần phải đọc kinh A Di Đà mới biết đến nơi,
đến chốn. Nếu chưa có đủ khả năng học kinh thì trước hết
nên xem qua các tác phẩm “Sơ cơ tịnh nghiệp chỉ nam”, “Kì
lộ chỉ quy” (Giác Hải Từ Hàng) và “Phật học thiển thuyết”.
Chỉ cần xem qua vài lần thì biết rõ hơn. Nếu không hiểu rõ
sẽ sanh mê tín và dễ dàng thối tâm.

Câu 3
Hỏi: Người tu Tịnh độ dùng phương pháp nào tu nhanh chóng
nhất?
Trả lời: Có bốn phương pháp, trong đó trì danh niệm Phật
là phương pháp tu nhanh chóng nhất. Bốn phương pháp
niệm Phật là: Thực tướng niệm Phật, quán tưởng niệm
Phật, quán tượng niệm Phật và trì danh niệm Phật. Thực
tướng niệm Phật là niệm bản tính vốn có là Phật, tức là
Phật tính tự nhiên, cần dùng ánh sáng trí tuệ Bát-nhã quán
chiếu bản tính tất cả hiện tượng khách quan tồn tại vốn là
không. Thiên thai chỉ quán, tham cứu mà Thiền tông hướng
đến đều là dùng phương pháp này. Quán tưởng niệm Phật
là căn cứ kinh Vô lượng thọ mà thực hành mười sáu phép
quán tưởng. Trong kinh có giảng cụ thể, người nào nghiên
cứu cẩn thận thì tự nhiên sẽ biết rõ ràng. Quán tưởng niệm
Phật tức quán hình tượng Phật, tâm thường tưởng niệm.
Trì danh niệm Phật tức chỉ niệm danh hiệu A Di Đà Phật.
Thực tướng niệm Phật là chú trọng phần tự lực, nương vào
năng lực chính mình mà không hướng ra bên ngoài, thể
chứng Phật vốn có trong tâm. Nhưng phàm phu bị nghiệp
chướng che lấp làm sao nhất thời đốn ngộ Phật vốn tại
tâm? Cho nên đối với pháp thật tướng niệm Phật người
bình thường không thể vận dụng được. Quán tưởng niệm
Phật là tu mười sáu phép quán không cho gián đoạn, cũng
ít ai thực hiện hết. Quán tượng niệm Phật thì phải nương
vào tượng Phật, rời tượng thì hết quán, do đó có sự gián
đoạn. Chỉ có trì danh niệm Phật là thực hành dễ dàng,
mau chóng thành công, chỉ cần niệm niệm tương tục, nhất
tâm bất loạn, diệu lý thật tướng cũng ở trong đó. Không
đòi hỏi phải quán tưởng và quán tượng Phật, như con nhớ
mẹ, nhờ vào năng lực gia trì của Phật mà được vãng sanh
Tây phương. Một đời vãng sanh tức ra khỏi luân hồi, thành
Phật cũng không còn lâu nữa.

Câu 4
Hỏi: Kinh A Di Đà dạy: “Nếu người nào có niềm tin, thì nên phát
nguyện sanh vào quốc độ đó”. Vậy cần nên phát nguyện như thế
nào?
Trả lời: Sau thời khóa tụng niệm buổi sáng, tụng văn hồi
hướng tức là phát nguyện. Nhưng phương pháp này còn
hạn chế. Nếu như lúc niệm Phật tháo bỏ vạn duyên, nhất
tâm nhất ý cầu sanh Tịnh độ, mới là chân thật phát nguyện,
vì nó phát xuất từ nội tâm. Ngoài ra còn có nghi thức đặc
thù khác, dùng hình thức phát nguyện bằng miệng, hay là
trình bày qua sách báo để phát nguyện.

Câu 5
Hỏi: Không ăn chay thường xuyên, người cư sĩ có thể thờ hình
tượng Tây phương Tam Thánh tại nhà được không?
Trả lời: Có thể thờ hình tượng Tây phương Tam Thánh,
nhưng khi ăn đồ mặn có mùi tanh hôi, hay khi làm việc
dọn dẹp có bụi dơ bẩn thì nên che tượng lại, như vậy mới
tinh khiết.

Câu 6
Hỏi: Tập khí thế tục chưa từ bỏ hết, có thể niệm Phật được không?
Trả lời: Chính để đoạn trừ tập khí nên mới niệm Phật;
nhưng vì tập khí sâu dày khó đoạn trừ nên gia công niệm
Phật. Cách biệt giữa thánh và phàm ở nơi một niệm, một
niệm chánh khởi lên là thánh, một niệm tà khởi lên là
phàm.

Câu 7
Hỏi: Có người bảo rằng Phật Thích Ca, Phật A Di Đà và Bồ-tát
Quán Thế Âm cùng một thể. Có đúng vậy không?
Trả lời: Luận về pháp thân có thể nói như vậy, còn về báo
thân và hóa thân thì không thể nói như vậy được. Pháp
thân của chư Phật không ngoài thực tại, lúc nào cũng có,
dung hợp một thể với vũ trụ. Từ “vũ” trong vũ trụ là chỉ
không gian, từ “trụ” là chỉ thời gian. Thời gian với không
gian là vô lượng vô biên. Cho nên pháp thân của chư Phật
cũng vô lượng vô biên. Đã là vô lượng vô biên thì pháp
thân tất cả chư Phật đều giống nhau. Báo thân tức chỉ thọ
dụng thân. Điều gọi là tự thọ dụng thân tức chỉ chư Phật
đã trải qua ba đại a tăng kỳ kiếp tu hành, tích chứa vô lượng
phước đức, trí tuệ và vô lượng công đức chân thật. Chư
Phật đạt được sắc thân viên tịnh thường biến hóa, thanh
tịnh vắng lặng, tương tục bất đoạn, cho đến cùng tận vị lai,
vĩnh viễn thọ dụng pháp lạc vô biên. Hóa thân tức là ứng
thân biến hóa của chư Phật. Phân chia ứng thân thù thắng
và các liệt đẳng ứng thân. Ứng thân thù thắng tức là thọ
dụng thân, chỉ cho chư Phật phát đại nguyện mà thành tựu
Tịnh độ. Phật trụ tại cõi nước thuần tịnh ấy vì hàng thập
địa Bồ-tát trở lên mà hiện đại thần thông, chuyển bánh xe
chánh pháp, phá trừ lưới nghi, khiến chúng sanh thọ dụng
pháp lạc Đại thừa. Liệt đẳng ứng thân là chỉ cho chư Phật
ở tại cõi uế trược tùy loại chúng sanh mà biến hóa, từ địa vị
Bồ-tát chưa chứng ngộ cho đến tất cả chúng sanh, phương
tiện nói pháp, khiến tất cả chúng sanh được giải thoát.

4.3 4 phiếu bầu
Article Rating
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Bình luận góp ý - hỏi đáp thắc mắc.x
()
x
Zalo HỖ TRỢ