Kinh Vô Lượng Thọ Tinh Hoa 12-2009 (22 tập) – HT Tịnh Không

Kinh Vô Lượng Thọ Tinh Hoa

(Phật Thuyết Ðại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác Kinh Tinh Hoa)

  • Chủ giảng: Hòa Thượng Tịnh Không giảng
  • Địa điểm: Giảng Đường Hoa Nghiêm Malaysia.
  • Thời gian: Khởi giảng ngày 19-12-2009.
  • Người dịch: Pháp Sư Minh Nhẫn.
  • Trọn bộ 22 tập

Kinh Vô Lượng Thọ Tinh Hoa pdf, word: download

Kinh Vô Lượng Thọ Tinh Hoa MP3

001 002 003 004 005 006 007 008 009 010
011 012 013 014 015 016 017 018 019 020
021 022

Youtube

Tập 01
Kính thưa chư vị pháp sư, chư vị đồng học!
Hôm nay, chúng tôi có duyên phần thù thắng như vậy, đây là lần
đầu tiên ở tại Kuala Lumpur Malaysia giảng kinh. Trước kia, chúng tôi
cũng ở tại nơi đây, đã tổ chức mấy lần đại hội hoằng pháp rất quy mô,
đó là thuộc về tánh chất pháp hội, mà thật sự giảng kinh, thì hôm nay là
lần đầu tiên. Tôi vô cùng cảm tạ ông Đan Tư Lý và các đạo hữu ở bên
này đã phát Vô Thượng Bồ Đề tâm, đem Phật pháp Đại Thừa và văn hóa
truyền thống của Trung Hoa, có thể khôi phục lại ở địa phương này mở
lớp giảng dạy, hoằng pháp lợi sanh. Tôi đến nơi đây, đã nhìn thấy và rất
hoan hỷ, tôi cảm thấy đây là ân đức của tổ tông được Tam Bảo gia trì,
cũng là phước phần của người dân Đông Nam Á Malaysia, mới có pháp
duyên thù thắng như vậy.
Lần này giảng kinh, tôi chọn kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ, trong
bộ kinh này, tôi đã trích lục ra sáu mươi điều. Trước kia, tôi đã từng
giảng qua phần trích lục này, tại Liên Xã Đại Giác ở Cựu Kim Sơn, Mỹ
Quốc. Lúc đó, thời gian giảng rất ngắn, chỉ có tám tiếng đồng hồ, mà
phải giảng phần trích lục quan trọng trong toàn bộ kinh Vô Lượng Thọ.
Chúng ta cần phải học tập, cần phải ghi nhớ, những phần trích lục trong
bộ kinh này, đây không phải chỉ riêng đối với các đồng tu tu học Tịnh
Tông mà nói, mà có thể nói đối với hết thảy các đồng tu học Phật, đều
phải nên ghi nhớ những lời giáo huấn của Thế Tôn. Bất luận Tông Môn
hay Giáo Hạ, Hiển Giáo hay Mật Giáo, thật tại mà nói, đều là nền tảng
tu học của chúng ta, cần phải hiểu rõ.

Hôm nay, chúng tôi giảng không cần y theo thứ tự như trước kia,
mà chúng tôi là y cứ theo sự cần thiết của xã hội hiện nay, thì càng khế
cơ hơn. Chúng tôi bắt đầu giảng từ điều thứ Năm Mươi Sáu, xem như là
điều thứ nhất, trước tiên chúng tôi đọc đoạn kinh văn của điều này.
Kinh văn: “Phật sở hành xứ, quốc ấp khâu tụ, mỵ bất mông hóa.
Thiên hạ hòa thuận, nhật nguyệt thanh minh, Phong vũ dĩ thời, tai lệ
bất khởi. Quốc phong dân an, binh qua vô dụng. Sùng đức hưng nhân,
vụ tu lễ nhượng. Quốc vô đạo tặc, vô hữu oan uổng. Cường bất lăng
nhược, các đắc kỳ sở”.
Đoạn kinh văn này, là nói mục đích “lý niệm” của Phật Đà giáo
dục, mà toàn bộ đã nói ra hết cho chúng ta. Chúng ta muốn hỏi Thích Ca
Mâu Ni Phật, vì sao Ngài phải làm như vậy? Thì đoạn kinh văn này,
chính là câu giải đáp. Học Phật, trước tiên đối với Thế Tôn, phải có sự
nhận thức! Mà trước kia, lúc tôi mới bắt đầu học Phật, đại sư Chương
Gia nói với tôi lúc đó tôi vừa mới tiếp xúc Phật pháp. Trước khi chưa
tiếp xúc Phật pháp, tôi nghĩ rằng Phật giáo là tôn giáo, Phật giáo là mê
tín, cho nên lúc tôi còn trẻ, không muốn tiếp xúc Phật pháp. Nhất là khi
nhìn thấy hình tượng của Phật giáo, họ lạy tượng thần quá nhiều, ở trong
tôn giáo gọi là phiếm thần giáo, đa thần giáo. Phiếm thần giáo và đa thần
giáo ở trong tôn giáo thuộc về tôn giáo thấp nhất, còn tôn giáo bậc cao
chỉ có duy nhất một vị thần gọi là chân thần, đây là trước kia chúng tôi
có những khái niệm sai lầm đó.
Những khái niệm sai lầm đó, ngay trong xã hội hiện nay cũng là
rất phổ biến, đây là một điều thật là vô cùng đáng tiếc. Lúc đó, tôi theo
giáo sư Phương Đông Mỹ học triết học, giáo sư Phương Đông Mỹ là thầy
dạy tôi một môn học, thầy giảng về triết học kinh Phật, tôi cảm thấy hết
sức kinh ngạc. Lúc đó tôi hỏi thầy: “Phật giáo là tôn giáo, là đa thần
giáo, là mê tín, vì sao kinh Phật lại là triết học?” Thì thầy Phương nói
với tôi rằng: “Anh còn trẻ nên không biết, Thích Ca Mâu Ni Phật là nhà
triết học vĩ đại nhất trên thế giới”. Cho nên, chúng tôi học triết học, mà
thầy cũng là một nhà đại triết học, thầy giới thiệu nói với tôi rằng: “Triết
học kinh Phật là triết học đỉnh cao nhất của trên toàn thế giới”, đây là
thầy nói nguyên lai cho tôi biết. Về sau này tôi thuyết giảng kinh Phật,
tôi không dám nói: “Triết học kinh Phật là triết học đỉnh cao nhất”, mà
tôi chỉ nói: “Triết học kinh Phật là triết học cao đẳng”, tôi không dùng

ba chữ “đỉnh cao nhất” để nói. Thầy lại nói với tôi: “Học Phật là sự
hưởng thụ cao nhất của đời người”, tôi đã tiếp nhận câu nói này của thầy.
Vì vậy, tôi đối với Phật giáo, đối với tôn giáo, đã thay đổi cách
nhìn sai lầm của tôi trước kia, mới biết trong kinh Phật là đại học vấn.
Thầy Phương còn nói với tôi rằng: “Triết học kinh Phật không có ở trong
tự viện”. Vậy tìm ở đâu? Phải tìm trong kinh điển. Thầy đã chỉ dẫn tôi đi
con đường này, là phải tìm ở trong kinh điển. Thầy Phương giới thiệu
kinh Phật cho tôi thời gian khoảng hai tháng mấy, tôi còn nhớ chưa tới
ba tháng, thì tôi quen biết với đại sư Chương Gia, cũng là do một người
bạn giới thiệu cho tôi quen biết với đại sư Chương Gia. Ngày đầu tiên
chúng tôi gặp mặt, tôi xin thỉnh giáo với Ngài, tôi nói: “Giáo sư Phương
Đông Mỹ đem Phật giáo giới thiệu cho con, con biết trong Phật giáo là
đại học vấn, là triết học cao đẳng! Con xin thỉnh giáo với đại sư, có
phương pháp nào khiến cho con rất mau khế nhập được hay không?” Tôi
nêu ra một câu hỏi này, đại sư Chương Gia nhìn tôi, tôi cũng nhìn Ngài,
tôi chờ đợi Ngài khai thị, tôi ngồi ở đó khoảng nửa tiếng đồng hồ, Ngài
không nói một câu. Sau nửa tiếng đồng hồ, Ngài nói một chữ “Có”, tôi
vừa nghe nói Có, thì rất phấn khởi, Ngài lại không nói tiếp, lần này phải
đợi khoảng sáu, bảy phút Ngài mới nói hai câu: “Nhìn thấu được, buông
bỏ được, thì có thể khế nhập”.
Sau khi tôi đã nghe hai câu này, cứ nghĩ là mình đã hiểu rõ, thật
ra ý nghĩa của hai câu này, về sau chúng tôi thâm nhập kinh tạng mới
biết là “Chỉ Quán”. Chỉ tức là buông bỏ, Quán tức là nhìn thấu. Ngài
không dùng danh từ Phật học, bởi vì tôi mới nhập môn, nếu Ngài dùng
danh từ Phật học, thì tôi chẳng hiểu rõ, cho dù Ngài có giải thích nửa
ngày, tôi cũng chưa chắc hiểu được. Nay nghe Ngài nói nhìn thấu, buông
bỏ, tôi xin thỉnh giáo với Ngài: “Phải từ chỗ nào hạ thủ?” Ngài dạy tôi:
“Tu bố thí”, cho nên tu bố thí là do Ngài dạy tôi, bố thí chính là buông
bỏ. Bố thí có Tài Bố Thí, Pháp Bố Thí, Vô Úy Bố Thí, Ngài lại nói ba
thứ bố thí này có ba thứ quả báo. Tài Bố Thí được giàu có, Pháp Bố Thí
được thông minh trí tuệ, Vô Úy Bố Thí được khỏe mạnh sống lâu, Ngài
dặn dò nhiều lần như vậy. Nhà Phật nói “xả, đắc”, Xả chính là bố thí,
trong xả có đắc, đây là ý nghĩa thứ nhất, ý nghĩa càng sâu hơn nữa, quý
vị sở đắc càng phải xả bỏ, đây là ý nghĩa của hai chữ “xả, đắc”. Hay nói
cách khác, thật sự buông bỏ, thì quý vị khế nhập cảnh giới.
Cho nên, tôi đã học Phật năm mươi tám năm, trong năm mươi tám
năm, tôi tuân theo lời dạy của thầy. Bây giờ, tôi hoàn toàn đã hiểu rõ,

buông bỏ cái gì? Là buông bỏ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, thì quý
vị khế nhập cảnh giới. Cái gì là vọng tưởng? Vọng tưởng là vô thỉ vô
minh, tức là chúng ta thường nói, khởi tâm động niệm, đây là vọng tưởng.
Vọng tưởng rất là vi tế! Chúng ta khởi tâm động niệm, có biết hay không?
Không biết. Chẳng những chúng ta không biết, mà cả A La Hán cũng
chẳng biết, Quyền Giáo Bồ Tát cũng chẳng biết, Phật ở trong thập pháp
giới cũng chẳng biết, không dễ gì biết được. Cái thứ hai, là phân biệt,
trong giáo pháp Đại Thừa thường nói, là Trần Sa phiền não. Cái thứ ba,
là chấp trước, trong giáo pháp Đại Thừa thường nói, là Kiến Tư phiền
não.
Quý vị mà buông bỏ được Kiến Tư phiền não, thì thành Chánh
Giác, thật sự có thể khế nhập cảnh giới, nhưng cảnh giới này là Tiểu
Thừa, là Quyền Giáo, không phải thật sự khế nhập Nhất Chân cảnh giới.
Tuy khế nhập Tiểu Thừa và Quyền Giáo, nhưng quý vị đã ra khỏi lục
đạo luân hồi, không còn ở trong lục đạo nữa, thật tại mà nói, lục đạo là
cảnh mộng. Ngày nay đã tỉnh mộng, sau khi tỉnh mộng, là cảnh giới gì?
Là Tứ Thánh pháp giới, tức Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát và Phật.
Hợp chung Tứ Thánh pháp giới với lục đạo, gọi là thập pháp giới. Quý
vị thật sự đang ở trong Thanh Văn pháp giới, buông bỏ phân biệt là
Thanh Văn, Duyên Giác, buông bỏ được Trần Sa phiền não là thành Bồ
Tát, cũng tức là Phật trong thập pháp giới. Phật trong thập pháp giới vẫn
còn dùng A Lại Da Thức, nhưng dùng được thuần chánh, có thể nói, Tứ
Thánh pháp giới dùng được thuần chánh.
Còn lục đạo phàm phu dùng A Lại Da Thức, đã dùng tạp, đã dùng
sai, hoàn toàn trái với Tánh Đức, cho nên tạo thành quả báo thiện ác
trong lục đạo luân hồi. Phật trong thập pháp giới, nếu buông bỏ được
khởi tâm động niệm, tức là trong giáo pháp Đại Thừa nói: “Phá một
phẩm vô minh”, tức phá căn bản vô minh, “minh tâm kiến tánh, kiến tánh
thành Phật”, vị Phật này là thật không phải giả. Hễ buông bỏ khởi tâm
động niệm, thì không còn thập pháp giới. Cho nên thập pháp giới cũng
chẳng phải thật, trong kinh Kim Cang có nói: “Phàm cái gì có hình tướng
đều là hư vọng”, thập pháp giới cũng không ngoại lệ. Sau khi buông bỏ
khởi tâm động niệm, cảnh giới gì hiện tiền? Thật Báo Trang Nghiêm Độ
của chư Phật Như Lai hiện tiền, chúng ta gọi cảnh giới này là Nhất Chân
pháp giới. Tại vì sao? Vì cảnh giới này không thay đổi. Thật tại mà nói,
vẫn còn có thay đổi! Thế nhưng phải là sau ba đại A-tăng-kỳ kiếp, quý
vị mới thấy nó thay đổi, nếu còn đang trong ba đại A-tăng-kỳ kiếp, quý

vị chẳng thấy được nó có thay đổi. Thay đổi như thế nào? Phật nói với
chúng ta rằng, hiện tại trong lục đạo, có hữu tình chúng sanh là động vật,
có sanh, già, bệnh, chết, vô tình chúng sanh là thực vật, có sanh, trụ, dị,
diệt, núi sông đất đai, có thành, trụ, hoại, không, đây là sự thay đổi.

3.5 2 phiếu bầu
Article Rating
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Bình luận góp ý - hỏi đáp thắc mắc.x
()
x
Zalo HỖ TRỢ