Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên
- Tác Giả: Ấn Quang Đại Sư
- Việt dịch: Bửu QuangTự đệ tử Như Hòa
- Giảo chánh: Minh Tiến và Huệ Trang
- (Theo bản in của Cổ Tấn Báo Ân Niệm Phật Đường, năm 2002)
Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên pdf, word
Download .doc: Quyển [1] , [2] , [3] , [4]
Download .pdf: Quyển [1] , [2] , [3] , [4]
Youtube
Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên MP3
01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 |
11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 |
21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 |
31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 |
41 | 42 | 43 | 44 | 45 | 46 | 47 | 48 | 49 | 50 |
51 |
Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên QUYỂN MỘT
LỜI TỰA CHO LẦN ẤN HÀNH
THEO PHƯƠNG PHÁP ẢNH ẤN
Văn do chuyên chở đạo mà thường cùng tồn tại với đạo. Lý đáng nên như thế, nhưng Sự lại không luôn như vậy. Văn chương trong các sách vở đáng coi là khuôn mẫu hoặc những bài ca tụng cao nhã chẳng phải là chuyên chở đạo ư? Lửa Tần bốc lên, bèn bị diệt sạch cả, nhưng diệt là diệt những thẻ sách, chứ chẳng diệt được sách vở cất giấu trong vách nhà hay trong lòng người. Vì thế khi nhà Hán hưng khởi, văn chương, kinh điển xưa nay liền nối tiếp nhau xuất hiện trở lại; do vậy, thấy được rằng “nếu đạo vẫn tồn tại thì văn cũng tồn tại!”
Văn Sao của tổ Ấn Quang hoằng dương trọn vẹn Tam Tạng, dẫn chứng rộng rãi từ Ngũ Kinh, ba căn nương theo sách ấy dấy lòng tin, theo những nẻo khác nhau cùng về Tịnh Độ. Sách ấy chuyên chở đạo lý là chuyện đương nhiên cần gì phải nói nữa! Do vậy, hai bộ Chánh Biên và Tục Biên phổ biến trong thiên hạ, bảy mươi năm qua độ người vô số, nhưng bản thảo Tam Biên do họ La biên tập vừa xong liền bị giấu kín cả mấy chục năm chẳng xuất hiện trong cõi đời, biết nói sao đây?
Tiên sư Tuyết Lư lão nhân xưa kia từng phụng sự Tổ Sư, vâng mạng lệnh chuyên hoằng dương Tịnh pháp; núi sông đổi sắc, vượt biển đến Đài Trung, sáng lập Liên Xã, y giáo phụng hành, Văn Sao Chánh Biên và Tục Biên cùng với Gia Ngôn Lục, Tinh Hoa Lục nhiều lần được ấn hành biếu tặng, nhưng chẳng tìm được Tam Biên. Về sau do Phật Giáo Thư Cục phát hành bộ Toàn Tập của Tổ Sư, trong ấy có Tam Biên do Pháp Sư Quảng Định biên tập, và theo lời đồn đại bản Tam Biên do họ La biên tập vốn được cất giữ tại Linh Nham Sơn Tự ở Tô Châu đã bị hủy hoại cùng với chùa miếu trong cơn binh hỏa, đáng than vô cùng!
Ngóng tin cách biển, nghe nói nguyên cảo Tam Biên may mắn thoát khỏi tai ương, lại còn được khắc in. Về mặt Lý cố nhiên đáng tin, nhưng nơi mặt Sự vẫn còn hồ nghi; liên hữu Đài Trung liền cậy người sang Linh Nham chứng thực điều ấy, thỉnh về Liên Xã. Đọc lời Bạt, mới biết Linh Nham sau cơn hỏa hoạn, nguyên cảo này được cất tại Tàng Kinh Lâu, trong rương đựng bộ Càn Long Đại Tạng Kinh khắc vào đời Thanh, do Hòa Thượng Minh Học phát hiện, cho xuất bản. Năm Canh Ngọ (1990), gặp dịp kỷ niệm tròn năm mươi năm Tổ Sư về Tây, Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên được Quảng Hóa Tự ở Bồ Điền, Phước Kiến ấn hành. Tứ chúng hân hoan, khen là chuyện hiếm có!
Chao ôi! Văn của Tổ Sư giống như rồng vậy chăng? Hoặc ẩn, hoặc thấy, chẳng biết lúc nào! Nay đã được thấy, ắt sẽ bay lên tận trời, tuôn mưa pháp lớn, thấm nhuần khắp quần sanh. Ngay lập tức, Đài Trung Liên Xã liền cho in lại bằng phương pháp Ảnh Ấn để lưu truyền hòng thỏa nguyện cũ, vui mừng vô lượng. Ngoài ra còn có bảy lá thư phúc đáp của Đại Sư Ấn Quang để trong bọc hành lý của tiên sư đang được cất giữ tại Tuyết Lư Kỷ Niệm Đường ở Đài Trung Liên Xã, người biên tập cũng cho in kèm theo bộ Tam Biên này để khỏi bị thất lạc. Ấn hành cần phải có lời tựa, do vậy tôi kính cẩn thuật nhân duyên Ảnh Ấn để tùy hỷ vậy.
Đài Trung, Mạnh Đông năm Nhâm Thân
(Trung Hoa Dân Quốc năm thứ 81 – 1992),
Tịnh nghiệp đệ tử Lô Giang Từ Tỉnh Dân kính đề.
LỜI TỰA CHO BỘ ẤN QUANG
PHÁP SƯ VĂN SAO TAM BIÊN
Linh Nham Ấn Quang lão Pháp Sư nghiêm trì giới luật, hoằng dương Tịnh Độ, lời lẽ làm pháp tắc cho cõi đời, hành vi làm khuôn mẫu cho đạo, dùng văn tự Bát Nhã rộng độ mọi loài, mưa pháp tuôn khắp, tứ chúng suy tôn là vị Tổ thứ mười ba của Liên Tông. Từ thời cận đại đến nay, quả thật là một nhân vật chưa từng có. Bản thân tôi từ thuở nhược quan (hai mươi tuổi) phát nguyện quy y Đức Phật, tự xét thiện căn nhỏ nhoi, mỏng manh, cứ lần khân mãi không thành tựu gì! Năm Dân Quốc 31 (1942), ngoại nhân khinh rẻ, xâm lăng Trung Hoa, sinh linh lầm than, các nỗi khổ chen nhau nung đốt không thể nào dứt dẹp được, đọc lại Văn Sao, giật mình, tỉnh ngộ, bèn quy mạng, gieo tấm lòng thành, niệm Phật, ăn chay, những điều này đều do Văn Sao ban cho vậy.
Sau này, ngẫu nhiên ở chỗ Cư Sĩ Đinh Phước Bảo, thấy được hơn hai mươi lá thư của Sư đều là những lá thư chưa được sao chép, chưa đưa vào hai cuốn Văn Sao Chánh Biên và Tục Biên. Do đó, nghĩ di cảo chính là pháp nhũ được gởi gắm, há nên để mặc cho thất lạc, bèn cẩn thận chép lại để giữ bản sao, đấy chính là bước khởi đầu cho việc biên tập bộ sách này vậy. Sau khi Sư về Tây, Hoằng Hóa Nguyệt San trưng cầu di cảo, thư đáp lời trưng cầu nườm nượp gởi về, thu được thật phong phú. Nhiều nhất là Hòa Thượng Diệu Chân ở Linh Nham, Pháp Sư Tu Luân ở Hàng Châu đều cho chúng tôi đọc những lá thư họ giữ được. Các nơi gởi tặng bản gốc hoặc bản sao cũng chẳng dưới bốn năm chục người. Thảm đạm sưu tập tìm tòi, tính ra được gần bảy trăm bức thư, một trăm ba mươi bài tạp văn, những bài văn ấy chẳng kém gì những bài đã được đưa vào bộ Tăng Quảng Văn Sao, tôi biên tập thành sách đặt tựa đề Văn Sao Đệ Tam Biên, trân trọng thu gom cất giữ để đợi duyên thù thắng. Nếu sách được xuất hiện trong cõi đời sẽ giúp đỡ lớn lao cho việc hoằng dương Tịnh Tông và ủng hộ, duy trì pháp môn. Sao chép suốt mấy năm, luôn khư khư một ý niệm nhỏ nhoi: “Nguyện ba ngàn cõi phương Đông, gieo sen chín phẩm nơi trời Tây Phương”, cùng được thấm nhuần pháp ích, cùng lên được bờ giác.
Mồng Bốn tháng Mười Một năm Canh Dần (1950),
Kỷ niệm mười năm ngày lão Pháp Sư viên tịch,
Tư thục đệ tử Thượng Ngu La Ung Hồng Đào
đảnh lễ cung kính viết lời tựa
GHI THÊM
Bộ Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên được ấn hành lần này là bản duy nhất được cất giữ tại Linh Nham Sơn ở Tô Châu, vốn là di cảo do Cư Sĩ La Hồng Đào biên tập, Pháp Sư Huệ Dung chép lại thành bản cẩn thận, ghép thêm vào đó hai thiên Thượng Hải Hộ Quốc Tức Tai Pháp Hội Pháp Ngữ và Đức Dục Khải Mông; do hai bản này đã sớm được lưu hành riêng nên ông La không đưa vào bản thảo. Quy cách trình bày ấn loát nhất loạt lấy hai bộ Văn Sao Sơ Biên và Tục Biên làm chuẩn. Do trình độ hữu hạn của những đồng nhân làm công tác giảo chánh, đối chiếu, khó thể tránh được sai sót, ngưỡng mong mười phương Tăng – tục, thầy, bạn chẳng tiếc công chỉ dạy để sửa đổi khi tái bản, khôn ngăn tột bực tha thiết khẩn cầu.
Chùa Quảng Hóa tại Bồ Điền, Phước Kiến kính bạch (Giữa Đông năm 1990)
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO TAM BIÊN
QUYỂN MỘT
1. Đại Sư tự thuật
Mùa Đông năm Dân Quốc 28 (1939), người ngoại quốc họ X… đến Linh Nham yết kiến Đại Sư có lời thưa hỏi, cùng nhau dùng bút mực để trò chuyện, Đại Sư tự lược thuật cuộc đời và hạnh nguyện như sau:
a) Cuộc đời:
Xuất gia năm Quang Tự thứ bảy (1881), thọ giới năm Quang Tự thứ tám (1882). Năm Quang Tự 12 (1886) đến Hồng Loa Sơn ở Bắc Kinh. Năm Quang Tự 17 (1891) dời sang chùa Viên Quảng tại Bắc Kinh. Năm Quang Tự 19 (1893) đến ăn nhờ ở đậu chùa Pháp Vũ thuộc Phổ Đà Sơn tỉnh Chiết Giang, suốt ba mươi năm chẳng đảm nhiệm chuyện gì. Đến năm Dân Quốc 17 (1928) có đệ tử quy y ở Quảng Đông tính thỉnh tôi sang Hương Cảng, liền rời Phổ Đà, tạm ngụ tại chùa Thái Bình ở Thượng Hải. Mùa Xuân năm Dân Quốc 18 (1929) tính rời đi nhưng vì chuyện in sách chưa xong phải ở lại. Năm Dân Quốc 19 (1930) đến bế quan tại chùa Báo Quốc ở Tô Châu. Tháng Mười năm Dân Quốc 26 (1937), tỵ nạn sang Linh Nham đã tròn hai năm. Hiện thời đã sống buổi sáng không đảm bảo được buổi tối, chờ chết mà thôi! Năm mươi chín năm từng trải như vậy đó. Suốt cả một đời chẳng cùng ai kết xã, ngay đến cả hội Phật giáo Trung Quốc cũng chẳng ghi tên làm hội viên.
b) Những việc xảy ra gần đây:
Từ khi đến Linh Nham, bất cứ danh lam thắng cảnh nào, tôi cũng đều chẳng tới xem, bởi chí chỉ mong Vãng Sanh, chẳng bận tâm đến danh lam thắng cảnh.
c) Việc làm
Mỗi ngày lượng theo sức mình niệm Phật và trì chú Đại Bi để làm căn cứ tự lợi, lợi tha. Suốt đời chẳng thâu nhận một đệ tử xuất gia nào, chẳng nhận làm Trụ Trì chùa nào cả!
d) Chủ nghĩa và giáo nghĩa niệm Phật
Đối với hết thảy mọi người đều dùng “tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương” để khuyên nhủ, bất luận xuất gia hay tại gia, ai nấy đều phải chú trọng trọn hết bổn phận con người, gặp cha nói từ, gặp con nói hiếu, anh nhường, em kính, chồng hòa, vợ thuận, chủ nhân từ, tớ trung thành. Bất luận người sang hay kẻ hèn đều dùng những điều này để bảo ban, khiến cho hết thảy mọi người trước hết làm một người hiền, người lành trong thế gian, ngõ hầu cậy vào Phật từ lực siêu phàm nhập thánh, Vãng Sanh Tây Phương! Trọn chẳng nói với người khác những lời lẽ lớn lao khiến họ không thực hiện được, mặc cho người ta bảo mình là hạng Tăng chỉ biết cơm cháo, trăm sự không làm được điều gì. Đại lược là như vậy đó!
2. Thư trả lời Đại Sư Hoằng Nhất
Hôm qua, nhận được thư và bản tụng văn cũ lẫn mới, đọc không thấy chỗ nào sai. Trong thư nhắc đến tình huống dụng tâm quá độ, Quang đã sớm đoán biết chuyện này, do vậy đã viết một lá thư khuyên Sư đừng làm như thế. Do Sư quá tỉ mỉ, thường có những chỗ không cần phải thật dốc sức mà Sư vẫn chẳng chịu không dốc sức, đến nỗi bị thương tổn! Xét theo sắc lực của Sư, có lẽ nên lắng lòng chuyên nhất niệm Phật, những giáo điển khác và những sách đang được lưu truyền hiện thời, nhất loạt đừng xem tới để khỏi bị phân tâm, bị tổn hại vô ích. Người biết xử sự đúng thời phải hiểu thời cơ, sự việc, chuyện gì Sư với tôi chẳng thể gánh vác được thì hãy nên lánh mình ra ngoài, để mặc đó đừng hỏi đến nữa, nhất tâm niệm Phật để mong mình lẫn người đều được lợi ích thật sự, ấy mới là phương cách độc nhất vô nhị vậy!
3. Thư gởi Chân Đạt lão Hòa Thượng
Ba bốn chục năm qua Quang được huynh chiếu cố, chăm nom, khôn ngăn cảm kích. Sáng nay tinh thần uể oải như sắp chết; do vậy, gần như đem tất cả những chuyện bận bịu tại Thượng Hải giao hết cho Pháp Sư Đức Sâm. Qua hai tiếng sau lại cảm thấy chẳng sao cả, tuy chưa chết ngay nhưng cũng khó tránh khỏi cái chết, chẳng ngại gì bàn soạn sẵn. Quang khi sống tánh chẳng thích bày vẽ nhiều chuyện, chết rồi thì cũng nên làm ma chay cho Quang giống như một kẻ tầm thường qua đời. Nếu không, sẽ càng tăng thêm tội lỗi cho Quang vậy!
4. Thư gởi Pháp Sư Đức Sâm (thư thứ nhất)
Phần Phụ Lục do ông đã gởi mãi đến sau hai giờ chiều ngày hôm qua mới giao tới, do phải trò chuyện với khách đến thăm đã lâu, nên không còn tinh thần để xem được. Sáng nay bèn đọc qua, gặp đúng lúc Mạnh Am tới đây bèn đưa cho xem, ông ta khen ngợi không ngớt. Văn Sao Tục Biên cuốn Thượng đã sắp chữ xong, nếu cuốn Hạ lại đưa thêm nhiều bài văn vào phần Phụ Lục thì hai cuốn sẽ dày – mỏng không đều, hãy nên đem phần sách này ghép vào sau cuốn Thượng thì hai cuốn sẽ dày bằng nhau. Phần Phụ Lục không nhất thiết phải đặt ở cuối cùng, đặt cuối cuốn Thượng thì cũng là Phụ Lục, không nhất quyết phải đặt Phụ Lục ở cuối cuốn Hạ.
Hiện thời khoản tiền thu được từ các nơi gần đến hai vạn, dùng loại giấy in báo thì cũng in được cỡ chừng hai vạn cuốn là cùng. Nếu dùng loại giấy Mao Biên thì một vạn đồng chỉ in được ba bốn ngàn bộ! Tấm lòng của Lạc Cư Sĩ có thể nói là tận thiện, tiếc rằng ông ta chưa biết nên làm thế nào cho thích hợp với thời thế. Từ khi in sách đến nay, Quang chẳng dùng loại giấy Mao Biên, huống là loại giấy in báo! Về sau, do loại giấy Mao Thái dòn gãy quá nhiều, in ra một vài năm đã biến thành mớ giấy lộn để bán ve chai, mà giá loại giấy ấy vẫn tính vào chi phí in sách khá đáng kể. Huống chi những chỗ sản xuất giấy ở Phước Kiến, Giang Tây đều gặp nạn chiến tranh, vì thế chỉ nên dùng giấy in báo để in sách. Ông Lạc trọn chẳng hiểu nỗi lòng Quang, hơn một vạn bộ sách ở chỗ ấn loát cảm thấy rất nhiều, nhưng nếu chia ra gởi đi, quả thật là quá ít!
Lời bàn luận của ông Lạc thuộc về pháp tắc thông thường trong thời thế thái bình, còn ý kiến của Quang thuộc phương pháp quyền biến trong thời thế đói kém, loạn lạc. Không chấp nhất thì đôi đằng đều hợp lý, hễ chấp nhất thì đôi đằng đều chẳng trọn vẹn. Nay tôi nói một thí dụ để làm sáng tỏ nghĩa này. Ví như có người trong lúc gạo châu củi quế đem mười vạn cứu đói. Do mười vạn có hạn, dân đói vô cùng, hãy nên dùng lương thực giá rẻ hơn một chút ngõ hầu cứu giúp được lâu hơn và giúp được nhiều dân nghèo hơn. Nếu dùng loại lương thực hạng nhất, tuy về mặt tốt lành thì hết sức tốt lành đấy, nhưng sau khi hết tiền thì sẽ làm như thế nào đây?
Văn Sao khiến cho người ta cảm động, phát tâm không ít, chẳng phải là vì giấy in tốt. Trước khi tròn sáu mươi tuổi, ông Trịnh Triết Hầu oán thù Đức Phật; năm sáu mươi tuổi, ông ta đọc Văn Sao, từ đấy bỏ mặc những thuyết của Hàn, Âu, Trình, Châu trước kia, cực lực đề xướng Phật pháp. Đủ biết muốn thật sự làm lợi cho người khác, hãy nên chú trọng nơi lưu truyền rộng rãi. Có người bảo hễ sách được in quá nhiều sẽ bị người ta coi thường, bị tổn hại vô ích. Phải biết rằng: Kinh Phật, sách Nho chẳng thể nào hoàn toàn không có chuyện bị coi rẻ thì sách của bọn phàm phu nghiệp lực chúng ta làm sao có thể trọn không bị coi rẻ cho được? Hiện thời, trong ngoài nước người tin Phật đông đảo, cố nhiên chẳng cần phải lo xa như thế! Hãy nghĩ đến chuyện bậc đại thông gia ở nhằm nơi không có Phật pháp vẫn bị khổ vì không biết đến Phật pháp, như Tăng, Tả, Lý, Diêm (Diêm Đan Sơ là người ở Triều Ấp, từng làm Phó Tướng, con người cực thuần hậu, không báng Phật, nhưng cũng trọn chẳng nghiên cứu) đều là những người không báng Phật mà cũng chẳng biết đến Phật pháp, chẳng đáng buồn ư? Mong hãy sáng suốt soi xét thì may mắn lắm thay! Đừng đưa những lời lẽ này vào Văn Sao.
A Di Đà Phật