Ấn Quang Đại Sư Văn Sao Tinh Hoa Lục
印 光 大 師
文 鈔 菁 華 錄
- Tác Giả: Ấn Quang Đại Sư
- Pháp sư Liễu Nhiên và Đức Sâm giám định
- Quy y đệ tử Lý Tịnh Thông ở Hải Diêm
kính cẩn biên tập - Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
- (dịch theo ấn bản của Cổ Tấn Báo Ân Niệm Phật Đường)
- Giảo chánh: Minh Tiến, Huệ Trang, Đức Phong
Download Ấn Quang Đại Sư Văn Sao Tinh Hoa Lục pdf word
Download .doc: AnQuangVanSaoTinhHoaLuc.doc
Download .pdf: AnQuangVanSaoTinhHoaLuc.pdf
Lời tựa tái bản bộ Ấn Quang Đại Sư Văn Sao Tinh Hoa Lục
Trong phần Lưu Thông của kinh lá bối thường khen ngợi [công đức]
biên chép kinh. Về sau, do kỹ thuật khắc bản, đúc chữ được phát minh,
thay vì khen ngợi công đức chép kinh, công đức giảng giải ý nghĩa kinh
được đề cao. Xét ra, tuy nghĩa ấy chẳng phải chỉ có một, nhưng cả cõi
đời chỉ thường biết tới những ý nghĩa hạn cuộc trong phạm vi phước
đức. Nay ta thấy trong khắp xó chợ cùng quê, có nơi nào chẳng có kinh
Phật? Đấy chẳng phải là chánh pháp được xiển dương, lưu thông, mà chỉ
là phước đức “khắc, in” được thực hiện phổ biến vậy! Thật ra, kẻ phát
tâm hoằng dương, tuyên truyền, chẳng xét xem những điều sâu xa,
huyền nhiệm trong các kinh có phù hợp căn cơ hay không, chỉ mong cầu
phước đức cho chính mình, trao thuốc trái bệnh đến nỗi người nhận lãnh
ngơ ngác, người căn cơ bậc thượng chỉ giữ xuông lòng kính trọng cúng
dường, kẻ căn cơ bậc hạ xếp cất trên gác cao, lợi sanh ở chỗ nào? Lưu
thông ở chỗ nào?
Tôi lại còn nghe nói: Thời Chánh Pháp, căn cơ khế hợp Luật, thời
Tượng Pháp căn cơ khế hợp Thiền, thời Mạt Pháp căn cơ chỉ khế hợp
Tịnh. Như vậy thì Tịnh, Luật, Thiền há chẳng phải là giống hệt như nhau
hay sao? Chỉ xét về Thể thì các pháp giống hệt nhau, nhưng nếu xét về
mặt Tướng và Dụng lại muôn vàn sai khác. Nếu chẳng có thật tánh giống
hệt như nhau, sẽ không thể xiển dương pháp thể bất biến; nếu không có
phương tiện muôn vàn sai khác, làm sao thành Tướng – Dụng tùy duyên?
Như vậy là Tịnh đề cao phương tiện lớn lao để dẫn về cái Thật, có
phương cách thiện xảo nhằm khai hiển, giữ, bỏ. Dẫn về cái Thật thì chỉ
có đức Phật thấu hiểu cùng tận, cho nên phải tin; do thiện xảo thích hợp
khắp ba căn cho nên dễ hành. Thời tiết ấy, căn cơ ấy, há coi thường được
chăng?
Vị tổ đời thứ mười ba của Tịnh Tông là Ấn Công dùng lời văn, từ
ngữ hiện thời để hoằng truyền đạo đáng tin dễ hành này; người được
Ngài giáo hóa rất rộng, người đắc độ rất đông. Người ta biên tập lời Ngài
dạy thành bộ Văn Sao, tập hợp những lời dạy ngắn gọn, đơn giản, trọng
yếu, lưu truyền khắp trong ngoài nước, nhưng kẻ độn căn vẫn còn sợ
rườm rà, chẳng thể thọ trì được, há chẳng phải là điều đáng nuối tiếc hay
sao? Có bậc Khai Sĩ đi trước là Tịnh Thông, trích lấy những chỗ đơn
giản nhất trong những lời dạy đơn giản, gạn lọc những điều trọng yếu
nhất trong những điều trọng yếu, biên soạn thành bộ Tinh Hoa Lục, vừa
khế cơ, vừa lợi sanh, nhưng số lượng sách được lưu thông vẫn cảm thấy
chưa đủ!
Cư sĩ Triệu Mậu Lâm ở Cổ Ngô cũng là bậc cao túc của Tổ, chuyên
nhất Tịnh nghiệp, nguyện thiết tha hoằng dương, ngẫu nhiên có được
một bản hoàn chỉnh của sách này, liền vui mừng, nhóm họp những người
cùng mến chuộng [sách này] để ấn hành, mong tiếp tục hoằng truyền tổ
đức hòng cứu khắp đời Mạt. Nguyện ấy, duyên ấy, chẳng phải chỉ thuộc
về phước đức, mà còn có phần giúp đỡ lợi sanh, lưu thông sâu đậm! Lời
tựa ban đầu của sách này đã trình bày cặn kẽ ý chỉ, nay vẫn còn đó, hãy
đọc sẽ hiểu tường tận. Tôi và Triệu cư sĩ là bạn đồng môn, được ông ta
sai viết lời tựa mới, tuy chẳng dám chối từ, e ngại mình đã phải trộm hớt
lấy lời bàn của người trước mà ý nghĩa vẫn chẳng bằng, nên chỉ trần
thuật duyên khởi tái bản nhằm giãi bày tấm lòng tùy hỷ mà thôi!
Ngày Trùng Dương năm Mậu Thân, tức năm Trung Hoa Dân Quốc
thứ 57 (1968), đệ tử Lý Bỉnh Nam kính đề.
Lời tựa của bộ Ấn Quang Đại Sư Văn Sao Tinh Hoa Lục
Kinh Đại Tập dạy: “Mạt pháp ức ức nhân tu hành, hãn nhất đắc
đạo, duy y niệm Phật, đắc độ sanh tử” (Trong đời Mạt Pháp, ức ức
người tu hành, hiếm một ai đắc đạo, chỉ có nương vào pháp niệm Phật là
thoát khỏi sanh tử). Pháp Niệm Phật này chính là đạo để thượng thánh
lẫn hạ phàm cùng tu, là pháp để người trí lẫn kẻ ngu cùng hành. Do pháp
này chuyên cậy vào Phật lực nên lợi ích thù thắng, vượt trỗi những giáo
pháp theo đường lối thông thường. Chỉ có pháp môn Tịnh Độ là chẳng
dễ khiến cho con người sanh lòng tin nhất! Đối với những câu như “vô
sanh mà sanh, vô niệm mà niệm”, nếu chẳng phải là bậc thấu hiểu sâu xa
ý chỉ “tâm làm, tâm là”, sao không bị lầm lẫn cho được? Do vậy, đức
Thế Tôn ta đối với chỗ vốn không nói năng lại thường nói thật nhiều,
không có gì khác hơn là vì muốn cho hết thảy chúng sanh hiểu rõ giác
tánh họ đang sẵn có, tiến hướng Phật quả, biết tự tánh chính là Di Đà thì
mới có thể bàn luận “duy tâm Tịnh Độ”, “tâm tịnh thì cõi Phật tịnh”.
Nếu có thể tin chắc thật, nguyện thiết tha, tận lực hành, sẽ cảm ứng đạo
giao, đã nắm chắc bằng khoán vãng sanh.
Tôi thấy những kẻ cuồng huệ trong cõi đời, cứ hở ra bèn ngỡ Tịnh
Độ là nông cạn, dễ dàng, rồi coi thường, muốn cầu những pháp được gọi
là huyền diệu khác để mong được ngộ chứng, nào biết một môn Tịnh Độ
quả thật ngầm khế hợp Phật tâm, là giáo pháp chí viên, chí đốn! Tâm
Phật vô vi, chẳng vướng mắc nơi pháp số. Niệm Phật: Tâm năng niệm
rành rành phân minh, nhưng trọn chẳng thể được, chẳng phải là do hữu
vi lại khế hợp vô vi đó sao? Trọn chẳng thể được nhưng rành rành phân
minh, chẳng phải là thầm hợp đạo mầu đó ư? Do vậy, người niệm Phật,
niệm nào cũng là Phật. Cho nên biết: Sáu chữ gồm trọn muôn pháp, một
môn chính là phổ môn, toàn Sự chính là Lý, toàn vọng chính là chân,
toàn tánh khởi tu, toàn tu nơi tánh, nương vào y báo, chánh báo cõi ấy để
hiển lộ tự tâm của ta, Thỉ Giác và Bổn Giác chẳng lìa nhau, tiến thẳng
trên đường giác. Khoảng cách mười vạn ức [cõi Phật] cách đây chẳng
xa, chín phẩm đều có thể đạt lên, hoàn tất ngay trong một đời. Hết sức
bình thường, nhưng tột bậc huyền diệu, những kẻ chứng nhập tối tăm,
tham cứu mù quáng kia há mong sánh vai được sao!
Ấn Quang đại sư thừa nguyện tái lai, đề xướng một chánh lệnh duy
nhất, chẳng bàn luận tâm tánh cao vời, nhưng hiển lộ trọn vẹn diệu tâm.
Hoằng Nhất đại sư gọi Tổ là “người duy nhất trong suốt ba trăm năm
qua”, há có phải là đề cao quá đáng! Củi căn cơ hóa độ đã hết, lửa ứng
hiện phải tắt, nhưng lời nhỏ nhiệm, ý chỉ bao la đã rộng ban cho hậu học,
quả thật là chẳng khi nào, không nơi nào [có ai khác] làm được như vậy
cả! Bộ Văn Sao của Sư tuy chỗ nào cũng chỉ quy [Tịnh Độ], nhưng đối
với người bận chuyện túi bụi, muốn tìm một tác phẩm vừa đọc liền thấy
rõ, liền thâm nhập lãnh hội thì đã có cuốn Văn Sao Tinh Hoa Lục do cư
sĩ Lý Tịnh Thông biên tập. Sách này gồm ba trăm ba mươi đoạn, lý hiển
chân thường, lời lẽ không trùng lặp, hết sức khéo léo, chắt lọc, trong cõi
đời hiếm có sách nào sánh bằng; tâm trọng đạo tôn sư của cư sĩ lại càng
khó có. Tôi biết sách này một khi được lưu hành, muôn người được
hưởng lợi ích. Uốn nắn lòng người để giúp đạt đến bình trị sẽ nhờ vào
sách này vậy! Viên Anh kính cẩn nhận lấy xem xong, vui mừng, hớn hở,
khó thể dùng lời lẽ nào để giãi bày, chỉ đành lược thuật mấy lời giãi bày
đem xếp trước phần chánh văn để ghi lại cái duyên tốt đẹp nhằm thưa
với những vị đồng tâm, chứ đâu dám viết tựa!
Ngày Rằm mùa Đông năm Nhâm Thìn (1952), lão nạp Viên Anh đề
tại Viên Minh Giảng Đường, Thượng Hải.
Ấn Quang Đại Sư Văn Sao Tinh Hoa Lục
印光大師文鈔菁華錄
Pháp sư Liễu Nhiên và Đức Sâm giám định
Đệ tử quy y Lý Tịnh Thông ở Hải Diêm
kính cẩn biên tập
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
(theo ấn bản của Cổ Tấn Báo Ân Niệm Phật Đường)
Giảo chánh: Minh Tiến, Huệ Trang & Đức Phong
I. Tán Tịnh Độ siêu thắng (Khen ngợi Tịnh Độ siêu việt thù thắng)
* Giáo pháp của pháp môn Tịnh Độ lớn lao thay! Tâm này làm Phật,
tâm này là Phật, pháp Trực Chỉ Nhân Tâm [của nhà Thiền] còn phải
nhường phần kỳ đặc (lạ lùng, đặc biệt). [So với lợi ích của cách tu]
“dùng ngay cái tâm này niệm Phật, niệm niệm thành Phật” thì lợi ích
đạt được do trải qua bao kiếp tu chứng vẫn phải kém hơn. Độ khắp
thượng – trung – hạ căn, thống nhiếp Luật, Giáo, Thiền Tông, như mưa
đúng thời nhuần thấm muôn vật, như biển cả dung nạp các sông. Hết
thảy các pháp Thiên, Viên, Đốn, Tiệm, không pháp nào chẳng từ pháp
giới này lưu xuất; hết thảy hạnh Đại – Tiểu, Quyền – Thật, không hạnh
nào chẳng quy về pháp giới này. Chẳng đoạn Hoặc nghiệp mà được dự
vào Bổ Xứ, ngay trong một đời này viên mãn Bồ Đề. Chúng sanh trong
chín pháp giới lìa môn này thì trên chẳng thể viên thành Phật đạo; mười
phương chư Phật bỏ pháp này thì dưới chẳng thể lợi khắp quần manh.
Do vậy, Hoa Nghiêm hải chúng hết thảy đều tuân theo mười đại nguyện
vương. Pháp Hoa xưng niệm một tiếng1
đều chứng Thật Tướng của các
pháp.
Hạnh phương tiện tối thắng, ngài Mã Minh dạy trong luận Khởi Tín.
Đạo dễ hành chóng đến, ngài Long Thọ xiển dương trong luận Tỳ Bà Sa.
Ngài Trí Giả là hậu thân của Phật Thích Ca, nói Thập Nghi Luận,
chuyên dốc chí nơi Tây Phương. Ngài Vĩnh Minh là Phật Di Đà thị hiện,
soạn Tứ Liệu Giản, suốt đời niệm Phật. Hội tam thừa ngũ tánh2
cùng
chứng chân thường, dẫn thượng thánh hạ phàm cùng lên bờ kia. Vì thế,
[pháp này] được chín pháp giới cùng quy về, mười phương cùng khen
ngợi. Ngàn kinh cùng xiển dương, vạn luận đều tuyên nói. Thật có thể
gọi là lời bàn luận tột cùng trong giáo pháp cả một đời [đức Phật], là đại
giáo Nhất Thừa vô thượng vậy! Chẳng gieo cội đức, dù trải bao kiếp vẫn
khó thể gặp gỡ. Đã được thấy nghe, hãy nên siêng năng tu tập! (Ấn Quang
Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 3, Lời tựa in tặng tranh Cực Lạc)
* Trộm nghe pháp môn Tịnh Độ là pháp phơi bày thông suốt rốt ráo
bản hoài của chư Phật, vượt trỗi hết thảy Thiền, Giáo, Luật, thống nhiếp
hết thảy Thiền, Giáo, Luật. Nói đại lược thì một chữ, một câu, một sách
có thể bao quát [pháp môn Tịnh Độ] không còn sót. Nói rộng thì dù
những lời huyền diệu thuộc Tam Tạng mười hai bộ kinh, diệu nghĩa của
chư tổ sư năm tông3
cũng không thể diễn tả trọn. Dẫu cho chúng sanh
trọn khắp đại địa cùng thành Chánh Giác, hiện tướng lưỡi rộng dài, dùng
sức thần thông, sức trí huệ, vi trần nói, cõi nước nói, sôi nổi nói, nói
không gián đoạn, há có thể nói hết được ư? Ấy là vì Tịnh Độ vốn chẳng
thể nghĩ bàn. Thử xem bộ kinh lớn Hoa Nghiêm, là vua của toàn bộ Tam
Tạng, cuối cùng quy về chú trọng nơi nguyện vương. Bộ kinh uyên áo
Pháp Hoa mầu nhiệm đứng đầu các kinh, nghe đến liền được vãng sanh,
địa vị bằng với bậc Đẳng Giác. Còn như ngàn kinh vạn luận, đâu đâu
cũng chỉ quy [Tịnh Độ] là có lý do vậy. Văn Thù phát nguyện, Phổ Hiền
khuyến tấn; đức Như Lai thọ ký trong kinh Đại Tập như sau: “Trong đời
Mạt Pháp, nếu không nhờ vào pháp này, không thể đắc độ”. Trong luận
Tỳ Bà Sa, ngài Long Thọ dạy đơn giản là “đạo dễ hành, mau thoát sanh
tử”, nên vãng thánh tiền hiền ai nấy đều hướng về, há vô ích sao? Đúng
là giáo pháp cả một đời [đức Phật] đều đặt để nơi pháp môn Niệm Phật.
Không chỉ có vậy, phàm hết thảy cảnh giới được tiếp xúc bởi sáu căn
như núi, sông, đại địa, sáng, tối, sắc, không, thấy, nghe, hay, biết, sắc,
thanh, hương v.v… có pháp nào không phải là văn tự xiển dương Tịnh
Độ? Lạnh – nóng đắp đổi, già – bệnh đưa đẩy, lụt, hạn, binh đao, dịch
bệnh, bè lũ ma, tà kiến, có thứ gì chẳng phải là lời cảnh sách nhằm lay
tỉnh con người sớm cầu vãng sanh? Nói rộng ra, há có thể trọn hết được
hay chăng?
Nói “một chữ thống nhiếp trọn hết” thì chính là chữ Tịnh. Tịnh đến
cùng cực ắt sẽ sáng suốt, sao không đạt đến Diệu Giác. Một chữ này há
dễ đảm đương? Nghiên cứu bài tụng về Lục Tức Phật 4
ắt sẽ biết!
Một câu là Tín – Nguyện – Hạnh. Không có Tín sẽ chẳng thể khởi
Nguyện, không có Nguyện sẽ chẳng thể dẫn dắt Hạnh. Không có diệu
hạnh trì danh sẽ không thể thỏa mãn sở nguyện hòng chứng được Tín ấy.
Hết thảy kinh luận Tịnh Độ đều nêu tỏ ý chỉ này.
Một kệ là kệ tán Phật5
, nêu lên chánh báo để nhiếp y báo; nêu lên
hóa chủ (A Di Đà Phật) để bao gồm đồ chúng (các vị thượng thiện nhân
trong cõi Cực Lạc). Tuy chỉ có tám câu nhưng đã nêu trọn đại cương của
ba kinh Tịnh Độ.
Một sách là Tịnh Độ Thập Yếu, mỗi chữ đều là lời hướng dẫn trong
đời Mạt Pháp, mỗi lời đều là gương báu của Liên Tông. Buồn khóc ứa
lệ, mổ tim vẩy máu, xứng tánh phát huy, tùy theo căn cơ mà chỉ bày.
Dẫu có ví là “vớt người chết đuối, cứu kẻ đang bị lửa thiêu” cũng không
thể sánh ví được nỗi lòng thống thiết của tác giả bộ sách ấy. Bỏ cuốn
sách này đi thì chánh tín không thể do đâu mà sanh, tà kiến không thể do
đâu mà diệt! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 1, Thư
gởi sư Ngộ Khai)
* Nhất niệm tâm tánh của chúng sanh và chư Phật không hai. Tuy
đang mê bất giác, khởi Hoặc tạo nghiệp, tạo đủ mọi tội, nhưng Phật tánh
sẵn có vốn không tổn thất. Ví như Ma Ni bảo châu rớt trong nhà xí, trọn
chẳng khác gì vật dơ, người ngu chẳng biết là quý báu, bèn coi như uế
vật (vật nhơ bẩn). Người trí biết là diệu bảo vô giá, chẳng hiềm ô uế, vào
trong nhà xí nhặt lấy, dùng đủ mọi phương cách gột rửa cho sạch. Sau
đấy, treo trên tràng6
cao, châu liền phóng đại quang minh, tùy theo lòng
mong cầu của con người mà mưa khắp các thứ báu. Do vậy, người ngu
mới biết là quý báu.
Đại Giác Thế Tôn xem các chúng sanh cũng giống như thế: Dẫu là
kẻ hôn mê, điên đảo, phiền hoặc, tạo đủ Ngũ Nghịch, Thập Ác, vĩnh viễn
đọa trong ba ác đạo, tâm Phật vẫn chẳng hề có một niệm buông bỏ, luôn
tìm cơ duyên, gia bị âm thầm hoặc hiển nhiên, vì họ thuyết pháp ngõ hầu
họ hiểu rõ Hoặc nghiệp huyễn vọng, ngộ Phật tánh chân thường, cho đến
khi viên chứng Vô Thượng Bồ Đề mới thôi! Đối với người tội ác cực
nặng còn như thế, thì đối với người nghiệp nhẹ, khéo giữ giới, tu trọn
vẹn, có sức Thiền Định sâu, không một ai chẳng được Phật đối xử như
vậy. Phàm trong tam giới, có những người tuy đã thâu liễm được thân
tâm, khuất phục được các Phiền Hoặc, nhưng tình chủng vẫn còn, phước
báo một khi đã hết liền đọa xuống cõi dưới, gặp cảnh chạm duyên vẫn
khởi Hoặc tạo nghiệp, do nghiệp cảm khổ, luân hồi sáu nẻo, trọn chẳng
có lúc nào ngưng; cho nên kinh Pháp Hoa nói: “Ba cõi không yên ví như
nhà cháy. Các khổ đầy dẫy, thật đáng kinh sợ”. Nếu không phải là
nghiệp tận tình không, đoạn Hoặc chứng Chân, thì chẳng mong chi thoát
khỏi tam giới !
Riêng mình pháp môn Tịnh Độ chỉ cần có đủ lòng tin chân thật,
nguyện thiết tha, trì danh hiệu Phật liền có thể nhờ vào Phật từ lực vãng
sanh Tây Phương. Đã được vãng sanh bèn nhập cảnh giới Phật, thọ dụng
giống như Phật, hai thứ phàm tình lẫn thánh kiến đều chẳng sanh. Chính
là pháp môn đặc biệt ngàn vạn phần ổn thỏa, thích đáng, chẳng bỏ sót
một ai vậy; đang thời Mạt Pháp, bỏ pháp này thì không còn cách gì khác
nữa! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 3, Lời tựa sách
Phó Đại Sĩ Truyện Lục)
* Pháp môn Niệm Phật cao cả thay! Do một niệm tâm tánh của
chúng ta giống như hư không thường hằng bất biến. Tuy thường chẳng
biến nhưng niệm niệm tùy duyên, chẳng duyên theo Phật giới sẽ duyên
theo cửu giới, chẳng duyên theo tam thừa sẽ duyên theo lục đạo, chẳng
duyên theo nhân thiên sẽ duyên theo tam đồ. Do duyên nhiễm – tịnh bất
đồng cho nên quả báo khổ – vui rất khác. Tuy bản thể trọn chẳng biến
đổi gì, nhưng Tướng – Dụng cố nhiên khác nhau một trời một vực! Ví
như hư không được mặt trời chiếu thì sáng, mây đùn bèn tối. Tuy bản
thể của hư không chẳng do mây hay mặt trời mà tăng – giảm, nhưng
tướng hiển hiện hay ngăn lấp cố nhiên có nói trọn năm cũng chẳng hết.
Do vì nghĩa này, đức Như Lai dạy khắp các chúng sanh duyên niệm
nơi Phật. Vì thế, nói: “Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật, niệm Phật thì hiện
tiền, tương lai nhất định thấy Phật, cách Phật chẳng xa”. Lại nói: “Chư
Phật Như Lai là thân pháp giới vào trong tâm tưởng của hết thảy chúng
sanh. Do vậy, lúc tâm các ông tưởng Phật thì tâm ấy chính là ba mươi
hai tướng, tám mươi vẻ đẹp phụ, tâm này làm Phật, tâm này là Phật.
Biển Chánh Biến Tri của chư Phật từ tâm tưởng sanh”. Hễ duyên theo
Phật giới thì tâm này làm Phật, tâm này là Phật. Nếu duyên theo các
chúng sanh giới thì tâm này làm chúng sanh, tâm này là chúng sanh.
Hiểu rõ điều này rồi mà chẳng niệm Phật thì chưa bao giờ có chuyện ấy!
Một pháp Niệm Phật chính là lấy hồng danh vạn đức của Như Lai làm
duyên, mà hồng danh vạn đức ấy lại chính là vô thượng giác đạo Như
Lai đã chứng nơi quả địa! Do dùng Quả Địa Giác ấy làm Nhân Địa Tâm
nên nhân bao trùm biển quả, quả thấu tột nguồn nhân. Như người nhiễm
hương, thân có mùi thơm; như tò vò chúc loài sâu7
, lâu ngày sẽ hóa
thành [tò vò]. Thành Phật ngay trong đời này, chuyển phàm thành thánh,
công năng lực dụng ấy vượt trội hết thảy những pháp môn khác trong cả
một đời giáo hóa [của đức Phật]. Bởi lẽ hết thảy các pháp môn đều cậy
vào tự lực đoạn Hoặc chứng Chân mới liễu thoát sanh tử; còn pháp môn
Niệm Phật thì tự lực lẫn Phật lực hai thứ đều đầy đủ. Vì thế, người đã
đoạn được Hoặc nghiệp bèn mau chứng Pháp Thân, người còn đầy đủ
Hoặc nghiệp sẽ đới nghiệp vãng sanh!
Pháp này cực kỳ bình thường, dẫu là ngu phu ngu phụ cũng đạt
được lợi ích, nhưng lại cực huyền diệu, tuy là Đẳng Giác Bồ Tát cũng
chẳng thể vượt khỏi phạm vi pháp này. Bởi vậy, không một ai chẳng
kham tu, mà cũng không một ai chẳng thể tu được. Thực hiện dễ, thành
công cao, dùng sức ít, lại đạt được hiệu quả nhanh chóng, thật là một
pháp môn đặc biệt trong giáo pháp suốt cả một đời đức Như Lai, cố
nhiên chẳng thể dùng giáo lý thông thường để biện luận được. Chúng
sanh đời Mạt Pháp phước mỏng, huệ cạn, chướng dầy, nghiệp sâu chẳng
tu pháp này, cứ muốn cậy vào tự lực để đoạn Hoặc chứng Chân hòng
liễu sanh tử thì khó khăn muôn phần! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng
Quảng Chánh Biên, quyển 3, Lời tựa cho đạo tràng niệm Phật quanh năm tại Thê
Chân thường trụ)
* Đức Đại Giác Thế Tôn thương các chúng sanh mê trái tự tâm, luân
hồi sáu nẻo trải nhiều kiếp lâu xa không thể thoát ra. Do vậy, khởi lòng
Vô Duyên Từ, vận dụng lòng Đồng Thể Bi, thị hiện sanh trong thế gian,
thành Đẳng Chánh Giác, tùy thuận cơ nghi rộng giảng các pháp. Nói bao
quát đại cương thì gồm có năm tông, năm tông là như thế nào? Chính là
Luật, Giáo, Thiền, Mật và Tịnh. Luật là Phật thân, Giáo là Phật ngữ,
Thiền là Phật tâm. Phật sở dĩ thành Phật chỉ do ba pháp này, Phật sở dĩ
độ sanh cũng chỉ có ba pháp này. Nếu chúng sanh thật sự có thể nương
theo Luật, Giáo, Thiền của Phật để tu trì thì ba nghiệp của chúng sanh sẽ
chuyển thành ba nghiệp của chư Phật. Ba nghiệp đã chuyển thì phiền não
chính là Bồ Đề, sanh tử chính là Niết Bàn. Lại sợ kẻ túc nghiệp sâu nặng
ắt chẳng dễ chuyển, nên dùng sức gia trì Đà La Ni tam mật8
để un đúc.
Như tò vò bảo con nhộng: “Giống ta, giống ta”, bảy ngày sau sẽ biến
thành tò vò.
Lại sợ kẻ căn khí kém hèn, chưa được giải thoát, hễ thọ sanh lần nữa,
khó tránh khỏi mê mất; do vậy, đặc biệt mở ra một môn “tín nguyện
niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ” để dù thánh hay phàm đều cùng trong đời
này được vãng sanh Tây Phương. Thánh sẽ mau chứng Vô Thượng Bồ
Đề, phàm thì vĩnh viễn thoát khỏi sanh tử buộc ràng. Do cậy vào Phật từ
lực, nên công đức lợi ích chẳng thể nghĩ bàn.
Phải biết: Luật chính là nền tảng của Giáo, Thiền, Mật, Tịnh. Nếu
chẳng nghiêm trì cấm giới sẽ chẳng thể đạt được lợi ích thật sự nơi Giáo,
Thiền, Mật, Tịnh. Giống như xây lầu cao vạn trượng nếu nền móng
không vững thì chưa xây xong đã sụp. Tịnh là chỗ quy túc của Luật,
Giáo, Thiền, Mật, như trăm sông vạn dòng đều đổ vào biển cả. Bởi lẽ,
pháp môn Tịnh Độ chính là pháp môn “trên thành Phật đạo, dưới độ
chúng sanh, thành thủy, thành chung” của mười phương tam thế chư
Phật. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 2, Thư tuyên
ngôn kết xã niệm Phật của chùa Thanh Liên ở Lô Sơn)
* Kinh A Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ
Phật, những kinh này được gọi chung là Tịnh Độ Tam Kinh, chuyên
giảng về duyên khởi, sự lý Tịnh Độ. Những kinh Đại Thừa khác đều nói
kèm Tịnh Độ, nhưng kinh Hoa Nghiêm là lúc Như Lai mới thành Chánh
Giác đã vì bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ xứng tánh giảng thẳng
vào diệu pháp Nhất Thừa. Cuối cùng, Thiện Tài đồng tử tham học khắp
các thiện tri thức, sau khi đã chứng ngang với chư Phật, bèn được Phổ
Hiền Bồ Tát dạy cho mười đại nguyện vương, khiến cho Thiện Tài và
Hoa Tạng hải chúng đều cùng hồi hướng vãng sanh Tây Phương Cực
Lạc thế giới, ngõ hầu viên mãn Phật quả. Trong Quán Kinh, chương Hạ