Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm Pháp Sự Giảng Ký
- Chủ giảng: Pháp Sư Tịnh Không
- Địa điểm: – Giảng tại Tịnh Tông Học Viện Úc Châu
- Thời gian: Tháng 6-2003
- Trọn bộ 114 tập
- Pháp Sư Tịnh Không bắt đầu giảng Phật Thuyết Kinh A Di Đà từ tập 07-80
- Tỳ kheo Thích Minh Nhẫn chuyển ngữ
Download Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm Pháp Sự Giảng Ký pdf, word:
Download .doc: Trung-Phong-Tam-Thoi-He-Niem-Phap-Su-Giang-Ky-HT-Tinh-Khong.doc
Download .pdf: Trung-Phong-Tam-Thoi-He-Niem-Phap-Su-Giang-Ky-HT-Tinh-Khong.pdf
Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm Pháp Sự Giảng Ký MP3
MP3 Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm Pháp Sự Giảng Ký – 1 lần 114 tập full 2.63GB tải về
Youtube
Dẫn Nhập
Lần đầu tiên mạt nhân được biết đến Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm là
vào năm 2001 trong kỳ Phật Thất mùa Đông tại Tịnh Tông Học Hội Dallas.
Do không biết tiếng Quan Thoại nên chúng tôi không nghe ra các âm thanh
tụng niệm để theo kịp khóa niệm; nhờ đó, chúng tôi có dịp thong thả đọc
từng trang Tam Thời Hệ Niệm và nhận thấy đây là một tác phẩm vô cùng
quý giá cho Tịnh nghiệp hành nhân.
Thoạt nhìn, dễ hiểu lầm đây chỉ là một thứ khóa tụng nhằm hồi hướng
cho các vong linh sau khi Phật thất viên mãn. Thế nhưng, càng đọc kỹ, càng
thấy mỗi một lời khai thị trong bản pháp sự khoa nghi này đúng là kim chỉ
nam cho người tu Tịnh Độ. Càng đọc, chúng tôi càng nhận thấy tư tưởng của
Trung Phong quốc sư qua những lời khai thị hoàn toàn nhất quán với tư
tưởng của lịch đại tổ sư Tịnh tông. Dường như, trong các trước tác, ngài
Ngẫu Ích chịu ảnh hưởng của ngài Trung Phong rất nhiều, nhưng do kiến
văn thô lậu, hữu hạn, chúng tôi không dám đoan chắc điều này. So với tác
phẩm Tịnh Độ Sám Nguyện của ngài Tuân Thức, ý nghĩa, văn chương, khai
thị, thứ tự tác pháp của Tam Thời Hệ Niệm đều vượt trội. Nhất là trong pháp
sự này, đối tượng quy kính hoàn toàn chuyên nhất nơi Tây Phương Tam
Thánh, không lễ bái quá nhiều danh hiệu thập phương chư Phật, Bồ Tát,
Thanh Văn Tăng như trong Tịnh Độ Sám Nguyện, khiến tư tưởng “nhất tâm
chuyên niệm, hồi hướng phát nguyện vãng sanh” của Tịnh tông càng được
củng cố mạnh mẽ, người hành trì cũng dễ chú tâm hơn.
Đã từ lâu mạt nhân mang tâm nguyện phiên âm, chuyển ngữ pháp sự
khoa nghi này, nhưng đành bó tay vì văn chương của ngài Trung Phong quá
cô đọng, hầu như không cách nào gượng dịch được. May mắn sao! Mùa Thu
năm nay (2004), chúng tôi tìm được bản Giảng Ký về khoa nghi pháp sự này
của lão pháp sư Tịnh Không trên trang nhà Hoa Tạng Phật Giáo Đồ Thư
Quán. Xin trân trọng diễn nôm, với tâm nguyện giúp cho những hành nhân
Tịnh tông có thêm tài liệu làm kim chỉ nam hòng củng cố chí thú nhất tâm
chuyên niệm, hồi hướng vãng sanh. Chúng tôi hoàn toàn tâm đắc lời Hòa
Thượng Tịnh Không khai thị: Ngoài năm kinh một luận Tịnh Độ, mỗi hành
nhân Tịnh Độ nên thường đọc đi đọc lại pháp sự này, tùy văn nhập quán để
phần nào thể hội ý chỉ “tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ”; để từ đó, sự lý
viên dung, sự sự vô ngại, niệm niệm chẳng rời A Di Đà Phật.
Dưới mỗi câu trong chánh văn trong pháp sự khoa nghi, chúng tôi tạm
dịch thành đôi dòng tiếng Việt để phô bày phần nào huyền nghĩa của chánh
văn. Vì sức học quá hạn hẹp, thiếu hẳn văn tài, lời văn vụng về, thô kệch,
què quặt, không thông suốt, chúng tôi không dám gọi đây là bản dịch, mà
chỉ gọi là “bản chuyển ngữ”. Để người đọc tiện theo dõi, chúng tôi tự tiện
đánh số chia khoa mục và đặt tiểu đề. Do nguyên cảo là một bản ghi chép
trung thực lời Hòa Thượng giảng trong nhiều ngày, nên có những đoạn được
Hòa Thượng nhắc đi nhắc lại đôi ba lần. Khi chuyển ngữ, chúng tôi vẫn giữ
nguyên như thế, không tỉnh lược, ngõ hầu người đọc có thể tưởng tượng như
đang trực tiếp tham dự pháp hội giảng kinh của Hòa Thượng.
Trong khi đang dịch nháp bài giảng này, chúng tôi thấy có những vị
thiện tri thức khác cũng đang dịch băng giảng, nên chúng tôi đã bỏ dở,
không làm nữa, nhưng rồi nuối tiếc, nên đành chuyển ngữ tiếp cho đến khi
hoàn thành cảo bản vào cuối năm 2005. Do nghĩ bản chuyển ngữ này là việc
làm dư thừa, coi như một tài liệu chỉ dành riêng cho chính mình học hiểu
Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm Pháp Sự, chúng tôi giữ nguyên hình thức
mộc mạc, trúc trắc của nó để đăng tải trên trang nhà Di Đà Nguyện Hải
(niemphat.net), vì nghĩ sẽ chẳng ai bận tâm đọc nó sau khi đã có băng giảng
được lưu hành. Cho tới cuối năm 2010, trong một cuộc điện đàm, sư huynh
Đức Phong đã có nhã ý muốn ấn hành bài giảng này để giúp cho những đồng
tu cao tuổi, khó thể đọc lâu trên Internet, có thể thuận tiện tra cứu khi cần
thiết, dễ dàng đánh dấu chương nào, phần nào cần thiết để đọc đi đọc lại
từng phần lời giảng, suy ngẫm hòng thấu hiểu để thực hành hạnh “tùy văn
nhập quán” như lão pháp sư Tịnh Không đã ân cần chỉ dạy. Vâng lời từ huấn
của sư huynh Đức Phong, chúng tôi tu chỉnh, điều chỉnh cách chấm câu chưa
hợp lý, ghi thêm chánh văn tiếng Hán, diễn nôm một số từ ngữ Hán Việt
không phổ biến, cũng như nhuận sắc cho lời văn đỡ thô vụng, quê kệch hơn,
cũng như sửa lỗi chánh tả. Dẫu đã cố gắng hết sức, nhưng tài cùn, trí cạn,
thiếu hẳn sự tu trì, kiến thức chắp vá, lơ mơ, chắc chắn sẽ có những sai sót
không thể nào tha thứ được trong bản chuyển ngữ ngô nghê này, ngưỡng
mong các liên hữu xa gần sẽ rộng lòng từ bi lân mẫn chỉ giáo, phủ chính.
Nếu việc làm liều lĩnh này của chúng tôi có công đức nào thì xin hồi
hướng công đức ấy lên bổn sư thượng Giải hạ Thắng, trụ trì chùa Bửu
Quang quận 7, Sài Gòn, chư tổ sư hoằng truyền Tịnh tông Việt Nam và
Trung Hoa, lịch đại tổ tiên, phụ mẫu, tông thân quyến thuộc, cũng như các
liên hữu Vạn Từ, Minh Tiến, Huệ Trang, Đức Phong luôn nâng đỡ, khuyến
khích chúng tôi mỗi khi “chân chùn, gối mỏi, ngã lòng, lười nhác”. Nguyện
do công đức này, tất cả Tịnh nghiệp hành nhân trong cõi Sa Bà này và mười
phương thế giới đều cùng được viên thành chí nguyện, cùng hội ngộ nơi Tây
Phương Cực Lạc; tất cả chúng sanh trong mười phương nghiệp đạo đều
thoát chốn u đồ, đồng sanh Tịnh Độ.
Trọng Đông năm 2010, Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa kính bạch
A. Giới thiệu giản lược về tác giả
Chư vị đồng học!
Trong giai đoạn này, hằng tháng những Tịnh tông liên hữu vào mỗi Chủ
Nhật lại cử hành pháp sự Tam Thời Hệ Niệm một lần tại Tịnh Tông Học
Viện của chúng ta, thực hiện rất hoan hỷ, nhưng có rất nhiều chỗ trong
những lời khai thị của thiền sư Trung Phong họ chẳng hiểu rõ cho lắm. Lẽ
đương nhiên, họ chẳng thể “tùy văn nhập quán”. Bởi thế, các đồng học đến
tìm tôi, hy vọng tôi sẽ giảng nghi thức này một lượt. Tôi nhớ trong quá khứ
đã từng giảng nghi thức này tại Tân Gia Ba, nhưng giảng rất đơn giản. Tôi
cũng đọc tụng tập sách này mỗi ngày. Lời Thiền Sư khai thị giản dị, nhưng ý
nghĩa sâu sắc, đúng như Phật pháp nói: “Bất cứ một pháp nào cũng đều có
thể giúp chúng ta thành Vô Thượng Đạo”, bởi pháp nào cũng đều viên mãn;
nhưng vấn đề là phải thông hiểu, mà thông hiểu chẳng phải là chuyện dễ.
Quý vị đã yêu cầu, tôi cũng hoan hỷ. Chúng tôi lợi dụng thời gian này để
chúng ta cùng học kỹ tập sách này.
Tựa đề [của tập sách này] là Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm Pháp Sự
Toàn Tập; trước hết, chúng tôi giới thiệu cùng quý vị hai chữ Trung Phong.
Trung Phong là tên người. Thiền Sư pháp danh là thượng Minh hạ Bổn,
Minh (明) là quang minh, Bổn là chữ bổn trong “bổn mạt” (本末: gốc ngọn).
Trung Phong là biệt hiệu của Ngài. Ngài là người huyện Tiền Đường, Hàng
Châu; đại khái là người ở Tiêu Sơn thuộc Hàng Châu. Tiêu Sơn nằm bên bờ
sông Tiền Đường. Ngài sanh vào cuối thời nhà Tống, lớn lên dưới thời
Nguyên, là người thuộc giai đoạn Tống mạt Nguyên sơ. Ở đây, chúng tôi
cũng phải giới thiệu nhà Nguyên đơn
giản như sau:
Ở Trung Quốc, từ cổ đến nay, người thống trị quốc gia là người Hán,
Hán tộc. Trước kia, các dân tộc khác đều sống tại ngoại quốc, nay hòa nhập
thành dân tộc Trung Hoa. Dân tộc Trung Hoa có năm mươi hay sáu mươi
sắc dân bất đồng, nhưng Hán tộc lớn nhất, dân số đông nhất. Triều đại nhà
Nguyên do người Mông Cổ kiến lập, Thanh triều do người Mãn Châu kiến
lập, đều thuộc ngoại tộc. Khi chưa thống nhất thì gọi họ là “ngoại tộc”,
thống nhất rồi, họ bèn hòa lẫn vào Trung Quốc thành một thể. Bởi thế, bản
thân Trung Quốc là dân tộc đa nguyên văn hóa, giống như một cái lò luyện
lớn, vừa có thể bao dung, vừa có thể đối xử hòa thuận với nhau, đối đãi bình
đẳng. Đấy chính là điều cổ thánh tiên hiền Trung Quốc răn dạy, là thành tựu
của văn hóa Trung Hoa.
Lãnh tụ Mông Cổ thời ấy là Hốt Tất Liệt (Khubilai), là hậu duệ của
Thành Cát Tư Hãn (Gengis Khan). Cuối đời vua Lý Tông triều Tống, vào
năm Cảnh Định thứ nhất đời Tống Lý Tông – Cảnh Định là niên hiệu, tức là
năm 1260 dương lịch, nói như vậy mọi người đều hiểu rõ; năm nay là năm
2003. Nhà Nguyên của Mông Cổ lập quốc vào năm 1260, nhằm vào năm
Cảnh Định thứ nhất thời Tống Lý Tông; Hốt Tất Liệt trở thành Đại Hãn, tức
vị (lên ngôi) tại Khai Bình. Khai Bình nằm tại cực Bắc Nhiệt Hà (Jehol), nay
thuộc địa khu Mông Cổ, nằm ở phía chánh Bắc thành Bắc Kinh. Hốt Tất
Liệt lấy niên hiệu là Trung Thống, sau đổi sang niên hiệu khác; ông ta tức là
Thế Tổ Hoàng Đế nhà Nguyên, trong sử gọi là Nguyên Thế Tổ.
Tính từ năm đầu Dân Quốc, triều Nguyên có trước Dân Quốc 652 năm.
Năm nay là năm Dân Quốc 92 (2003), quý vị phải biết thời đại này, đích xác
là sáu trăm năm mươi hai năm cộng thêm chín mươi hai năm nữa, hơn bảy
trăm năm! Thời đại nhà Nguyên cách nay đã hơn bảy trăm năm rồi. Chẳng
bao lâu sau (thời gian các hoàng đế cuối đời Tống tại vị rất ngắn), vào niên
hiệu Hàm Thuần thứ bảy đời Tống Độ Tông, tức là năm 1271, Mông Cổ lập
quốc, đổi quốc hiệu là Nguyên, năm thứ nhất nhà Nguyên bắt đầu từ đó.
Năm 1276, nhà Tống mất nước, cũng là năm Mông Cổ thống nhất toàn bộ
Trung Quốc. Trung Quốc được thống nhất hoàn toàn vào năm 1277, đấy
chính là năm nhà Nguyên góp mặt vào lịch sử Trung Quốc. Niên hiệu của
Nguyên Thế Tổ khi đó là năm Chí Nguyên thứ mười bốn (1277). Nếu tính từ
thời kỳ Dân Quốc, năm ấy cách thời Dân Quốc sáu trăm ba mươi lăm năm.
Giới thiệu đơn giản lịch sử nhà Nguyên Mông Cổ cùng quý vị như thế đó.
Tiếp đến, chúng tôi xin giới thiệu người biên soạn Tam Thời Hệ
Niệm: thiền sư Trung Phong . Thiền sư Trung Phong sanh năm Quý Hợi, tức
năm Cảnh Định thứ tư đời Tống Lý Tông. Năm Cảnh Định thứ tư chính là
năm 1263 Tây lịch. Ngài sanh nhằm ngày mồng Hai tháng Mười Một năm
1263. Theo truyện ký, Ngài họ Tôn, mẫu thân họ Lý. Bà mẹ Ngài nằm
mộng, mộng thấy “Vô Môn Khai đạo giả, trì đăng lung chí kỳ gia, dực nhật
toại sanh”: Vị lão nhân Vô Môn Khai1
tay cầm lồng đèn đi vào nhà bà, ngày
hôm sau bèn sanh. Do đây biết rằng: Mẫu thân Ngài nằm mộng ngày mồng
Một tháng Mười Một; ngày mồng Hai tháng Mười Một bà bèn sanh một bé
trai, đứa bé trai ấy là thiền sư Trung Phong. Truyện ký ghi lại chuyện này,
nay chúng ta có thể tin tưởng được. Vì sao vậy? Chúng ta nghe nói những
chuyện như vậy rất nhiều, đúng là có chuyện như vậy.
Đứa bé ấy trở lại làm người, quyết định chẳng phải là người tầm thường;
nó oai nghi đẹp đẽ chẳng giống mọi đứa bé khác. Vừa mới biết đi, đứa bé ấy
bèn biết nói. Vừa mới biết đi, tức là [như truyện ký chép] “tài ly cưỡng bão”
(vừa mới khỏi phải địu)2
, nó liền biết nói, vừa mới biết đi đã biết ngồi xếp
bằng tịnh tọa. Vừa mới biết nói đã biết xướng phạm bái3
. Chơi với mấy bạn
nhỏ khác, nếu quan sát kỹ, trò chơi của chúng đều là Phật sự, giống như
những việc thuộc pháp hội nhà Phật. Nó thích chơi những trò như vậy. Do
đây, ta biết đời trước nó là người xuất gia, mang theo tập khí đời quá khứ.
Căn bản là chẳng có ai dạy, dẫu thời ấy Phật pháp rất thịnh hành, nhưng một
đứa bé nhỏ xíu như thế không ai dạy, lại tự biết. Chẳng những đời trước nó
là người xuất gia, mà còn chẳng phải là người xuất gia tầm thường; nếu là
hạng tầm thường sẽ chẳng thể có thành tựu như thế.
Bổn tích nhân duyên của Ngài, chúng ta là phàm phu chẳng thể biết Ngài
có phải là Phật, Bồ Tát ứng hóa hay không, rất khó nói được. Phần lớn cuộc
đời Ngài trụ tại núi Thiên Mục. Có mấy vị đồng học đã đến núi Thiên Mục
rồi. Đương nhiên Phật sự Hệ Niệm cử hành tại núi Thiên Mục, chúng tôi tin
tưởng nhất định được thiền sư Trung Phong gia trì. Bất quá ở mọi nơi trên
thế giới, nếu chúng ta quán tưởng núi Thiên Mục, quán tưởng thiền sư Trung
Phong, thì thời gian lẫn không gian chẳng bị chướng ngại, đều có thể cảm
ứng Tam Bảo, được oai thần của Phật, Bồ Tát gia trì.
Năm Ngài lên chín tuổi, mẹ mất; bởi thế, cũng có thể coi Ngài là một cô
nhi. Năm mười lăm tuổi, Ngài có ý niệm xuất gia, nhưng cha vẫn còn sống.
Thiền sư Trung Phong rất hiếu thuận, dẫu có ý niệm xuất gia, nhưng cha
không đồng ý, bèn chẳng thể tùy tiện xuất gia. Dù tại gia, nhưng trong nhà
có Phật đường, Ngài ở nhà lễ Phật nhưng lại đốt tay, “lễ Phật nhiên tý” –
“nhiên tý” (然臂) là đốt hương trên cánh tay, tại gia cư sĩ thọ Bồ Tát giới
đều đốt hương trên cánh tay, người xuất gia đốt trên đầu – “thệ trì ngũ
giới”(thề giữ ngũ giới). Mỗi ngày niệm kinh Pháp Hoa, kinh Viên Giác,
kinh Kim Cang. Suốt mười mấy năm ngày đêm tinh tấn, tối cũng chẳng nghỉ
ngơi, “dạ tắc thường hành” (đêm thường đi kinh hành). Hễ mệt bèn dộng
đầu vào cột để tự răn nhắc mình.
Chúng ta nghĩ thử xem, từ cổ đến nay, những người thực sự biết dũng
mãnh tinh tấn chẳng nhiều. Chúng ta thấy thiền sư Trung Phong trước khi
xuất gia, hành trì suốt mười mấy năm như thế, chẳng phải là thị hiện cho
chúng ta thấy hay sao? Làm gương cho hàng hậu học lẫn đại chúng đương
thời. Chúng tôi hay nói “học vi nhân sư, hạnh vi thế phạm” (học làm thầy
người, hạnh làm khuôn mẫu cho đời), Ngài làm gương, nêu khuôn mẫu cho
đại chúng. Người học Phật chân chánh phải giống như vậy. Nhà Ngài ở gần
núi Linh Động, Ngài thường lên đảnh núi tọa thiền. “Phủ quan” (đến tuổi
đội mũ) – tức là năm hai mươi tuổi – “duyệt Truyền Đăng Lục” (là một bộ
ngữ lục của Thiền Tông, một ngàn bảy trăm đoạn công án Thiền Tông được
chép trong sách này). Sách này rất dày, toàn là những câu chuyện về những
sự tu hành, khai ngộ, chứng quả trong nhà Thiền.
Trong quá khứ đã từng có người viết thư, người này tham Thiền,
[chuyện này có ghi trong] Ấn Quang Văn Sao thiên nào tôi không nhớ. Khi
tôi mới học Phật, lúc còn chưa xuất gia, xem sách tại thảo am của pháp sư
Sám Vân ở Phố Lý, đọc Ấn Quang Văn Sao. Đấy là công khóa đầu tiên pháp
sư Sám Vân buộc tôi phải đọc. Tôi sống ở trên núi ấy năm tháng rưỡi, những
sách tôi đọc là A Di Đà Kinh Sớ Sao, A Di Đà Kinh Viên Trung Sao, A Di
Đà Kinh Yếu Giải. Pháp sư Sám Vân dạy tôi phải
nỗ lực đọc thật kỹ ba bộ sách ấy, đã thế lại còn phải lập đồ biểu phân
khoa những cuốn sách ấy4
. Ngoài ra là xem Ấn Quang Văn Sao.
Tôi nhớ có một người gởi thư cho Ấn Quang đại sư, nói một ngàn bảy
trăm đoạn công án ấy, ông ta đều tham ngộ thấu triệt phần lớn, nhưng vẫn
còn có mấy điều ông ta chưa hiểu. Ấn Quang đại sư viết thư trả lời rất khéo.
Sư nói: “Với một ngàn bảy trăm đoạn công án ấy, nếu hiểu rõ được một
điều, ông sẽ hiểu toàn bộ; nếu còn một điều chưa hiểu rõ tức là ông chẳng
hiểu toàn bộ”. Vị nhân giả ấy sau khi nhận được thư của Ấn Quang đại sư,
giống như bị nước lạnh xối vào đầu, tỉnh ngay, bèn buông bỏ chẳng tham
Thiền nữa, thật thà niệm Phật. Quý vị phải biết, từ xưa, các tổ sư đại đức
thường dạy chúng ta: “Một ngộ, hết thảy ngộ”. Vẫn còn một sự chưa ngộ thì
cái gì quý vị cũng chẳng ngộ cả! Ngàn vạn phần chớ tự nghĩ mình khai ngộ,
như thế đúng là lầm đấy!
Tổ Ấn Quang gõ gậy ngay vào đầu, chẳng đánh thức riêng mình ông ta
mà chúng ta đều phải đề cao cảnh giác. Chúng ta khai ngộ rồi chưa? Chớ hề!
Khai ngộ thực sự, cổ đức đã nói rất rõ: “Thông một kinh, hết thảy kinh đều
thông”. Chúng ta đã thông một kinh hay chưa? Nếu thông rồi, hết thảy kinh
bày trước mặt chúng ta sẽ đều chẳng có chướng ngại chi, như vậy mới là
thông! Hết thảy pháp thế gian bày trước mặt quý vị chẳng chướng ngại gì.
Pháp thế gian, xuất thế gian hoàn toàn thông rồi, thế mới gọi là “đại triệt, đại
ngộ”, mới là đại khai viên giải, chẳng dễ dàng đâu! Trước kia, lão cư sĩ
Hoàng Niệm Tổ rất cảm khái bảo tôi: “Từ thời Mạt Pháp trở đi, tức là từ
nay trở đi, chúng sanh không có khả năng”; cho nên chúng tôi kết luận rằng:
Chỉ có thật thà niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, chỉ có con đường này là ổn
thỏa, thích đáng nhất, đáng tin cậy nhất. Ngài Trung Phong là thiền sư, đích
thật là bậc đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh trong Tông Môn. Quý vị
xem đó, Ngài dạy chúng ta niệm Phật, tam thời hệ niệm.
Vào lúc ấy, có một vị xuất gia thấy Sư rất có thiên tư, vị xuất gia ấy hiệu
là Minh Sơn. Nhìn vào danh hiệu ấy, chúng tôi cho rằng rất có thể Sư [Minh
Sơn] là đồ đệ của hòa thượng Cao Phong, vì thuộc hàng chữ Minh. Minh
Sơn đem ngài Trung Phong đến núi Thiên Mục ra mắt thầy, vị thầy ấy là
thiền sư Cao Phong Diệu. Trong lịch sử Thiền Tông, hòa thượng Cao Phong
cũng rất nổi tiếng, Ngài là quốc sư đời Nguyên.
Môn giám của thiền sư Cao Phong rất cao, thực sự là một cao tăng hữu
đạo (chúng tôi không nói “đắc đạo”, mà nói “hữu đạo” là điều hết thảy mọi
người đều khẳng định), nhìn người rất giỏi. Vừa trông thấy chàng trai trẻ,
Hòa Thượng đặc biệt hoan hỷ, đặc biệt hữu duyên, bèn ngay lập tức cho xuất
gia. Trung Phong thiền sư thưa: “Cha con chẳng cho phép, con chẳng thể
xuất gia”. Trong tâm Sư rất muốn xuất gia, nhưng cha vẫn còn, cha chẳng
thuận cho xuất gia. Thiền sư Cao Phong bảo: “Ngươi quay về khéo bàn bạc
cùng cha, hy vọng cha ngươi đồng ý cho ngươi xuất gia”. Đó là chuyện lúc
ngài 20 tuổi.
Sau khi gặp được thiền sư Cao Phong, Ngài bèn tiếp nhận sự chỉ dạy của
ngài Cao Phong. Bởi vậy, thành tựu của một cá nhân dù là pháp thế gian hay
xuất gia gian đều chẳng có ngoại lệ, thầy dạy rất quan trọng! Gặp được một
vị thầy thực sự cao minh chỉ dạy, quý vị tiến bộ rất nhanh! Có một ngày,
Ngài niệm kinh Kim Cang, niệm đến câu “hà đảm Như Lai” (gánh vác Như
Lai), niệm đến đó “hoảng nhiên khai giải”, thực sự là bỗng nhiên đại ngộ,
đại ngộ chứ chưa triệt ngộ, nhưng có lợi cho Ngài rất nhiều. “Do thị nội
ngoại điển tịch, giai đạt kỳ nghĩa thú” (Do vậy nội ngoại điển tịch5
đều nắm
được ý nghĩa), đó là ngộ vậy. Nội điển là kinh Phật, ngoại điển là sách vở
Nho Gia, Đạo Gia, bách gia chư tử; những kinh sách như vậy đều có thể
thông đạt hết. Dẫu ngài Trung Phong đã ngộ nhập cảnh giới, nhưng rất
khiêm hư, chẳng nghĩ mình khai ngộ. “Thời niên nhị thập hữu tứ”, năm ấy
Ngài hai mươi bốn tuổi, “thật Chí Nguyên Bính Tuất tuế dã” (đúng vào năm
Bính Tuất niên hiệu Chí Nguyên), năm Bính Tuất trong niên hiệu Chí
Nguyên là năm 1286 Tây lịch. “Minh niên, tùng Cao Phong thế nhiễm ư Sư
Tử Viện” (Năm sau, bắt đầu xuất gia với Cao Phong tại Sư Tử Viện). Sư Tử
Viện là tên đạo tràng, chúng ta biết Ngài xuất gia năm hai mươi lăm tuổi.
Tụng kinh Kim Cang giác ngộ vào năm hai mươi bốn tuổi, nội ngoại điển
tịch không còn gì chướng ngại nữa.
Trước kia, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam dạy chúng tôi rằng “nội ngoại điển
tịch là pháp thế gian, xuất thế gian”. Pháp xuất thế gian là kinh Phật, pháp
thế gian là danh từ đương thời để chỉ các tác phẩm Nho, Đạo, bách gia chư
tử của Trung Quốc. Ngài không gặp chướng ngại gì [khi đọc các điển tịch]
năm hai mươi bốn tuổi, không phải là mê tín! Thực sự có học vấn. Năm sau
xuất gia, lạy Cao Phong Diệu Thiền Sư làm thầy. Năm hai mươi sáu tuổi thọ
giới. Năm hai mươi bảy tuổi, truyện ký có đoạn ghi “quán lưu tuyền hữu
tỉnh” (thấy suối chảy có tỉnh), “tỉnh” đây là giác ngộ. Phía Đông núi Thiên
Mục rất nhiều suối, lại còn có thác. Ngài nhìn thác nước, nước chảy xiết bèn
giác ngộ, cầu thầy ấn chứng. Thiền sư Cao Phong Diệu là bậc thực sự khai
ngộ, minh tâm kiến tánh, Ngài đến dẫn dụ, chỉ dạy, giúp đỡ học trò mình.
Nói thật ra, ngài Trung Phong còn trong giai đoạn sắp ngộ, chưa ngộ, chúng
ta biết khi ấy Sư hai mươi bảy tuổi.
Chính vào lúc ấy, “dân gian ngoa truyền” (ngoa truyền tức là chẳng
phải thật, là đồn thổi, nay ta gọi “ngoa truyền” là đồn đại), đồn đại điều
gì? “Quan tuyển đồng nam nữ” (Quan lại phải tuyển đồng nam, đồng
nữ), tức là quan phủ phải tuyển bé trai, bé gái. Việc ấy chẳng thật, chỉ là lời
đồn. Trung Phong bèn đến hỏi thầy, Ngài nói: “Hốt hữu nhân lai vấn hòa
thượng, thảo đồng nam nữ thời, như hà” (Nếu như chợt có người đến hỏi
Hòa Thượng đòi đồng nam, đồng nữ, thì sao?): Thưa thầy, bên ngoài họ đồn
có người đến hỏi thầy bắt đồng nam đồng nữ, thì thầy làm sao? Cao Phong
Diệu Thiền Sư bèn nói: “Ta đưa cho người ấy một cái trúc tỵ”. Tôi từng
thấy cái trúc tỵ (竹篦),hiện thời rất hiếm thấy. Nó là cái lược chải đầu bằng
trúc, nhưng răng dày hơn lược thường, răng rất khít, trước kia dùng để gỡ
đầu (người Việt gọi là “lược bí”). Vào thời Dân Quốc kháng chiến, nó rất
phổ biến tại nông thôn và những thành phố nhỏ, bây giờ không thấy nữa.
Hiện thời, phần lớn lược làm bằng chất nhựa hóa học đúc, không thấy loại
trúc tỵ ấy nữa. Nó là vật dụng dùng để chải gỡ nam nữ đều dùng, đàn bà
dùng nhiều nhất.
Sư nói: Nếu có ai đến hỏi tôi đòi đồng nam, đồng nữ, tôi bèn cho nó [cái
trúc tỵ] như vậy đó! “Sư ngôn hạ đỗng nhiên” (Sư nghe nói xong, bèn rỗng
rang): Trung Phong thiền sư nghe câu nói ấy, bèn bỗng nhiên đại ngộ, “triệt
pháp nguyên để” (thấu triệt nguồn đáy pháp). Đó là đại triệt, đại ngộ. Bây
giờ chúng ta đọc đến đoạn này có ngộ chút nào không? Đừng nói là đại ngộ,
ngay đến tiểu ngộ cũng không có, giống như câu hỏi không được đáp, đấy
chính là phương tiện thiện xảo dạy dỗ của thầy, người khác nghe chẳng hiểu;
có thể nói là “chạm đúng Thiền cơ, đả thông huyệt đạo”. Câu “thấu triệt
nguồn đáy pháp” này rất phi thường. Từ đây, ta biết Sư khai ngộ năm hai
mươi bảy tuổi, khai ngộ rồi không ai biết, chỉ có thầy Ngài biết, người khác
không biết. Bởi thế, “lục trầm chúng trung, nhân vô sở tri” (chìm khuất
trong chúng, không ai biết). Mọi người cùng chấp tác trong đạo tràng ấy
không ai biết Ngài đã khai ngộ.
Tiếp đấy, khi đó “Cao Phong thư chân tán phó Sư” (Cao Phong viết bài
tán trao cho Sư): Thiền sư Cao Phong là thầy Ngài, viết cho Trung Phong
mấy câu. Bốn câu ấy cũng thuộc Thiền cơ, nay chúng ta đọc cũng chẳng
hiểu. Ngài nói: “Ngã tướng bất tư nghị, Phật tổ mạc năng thị, độc hứa bất
tiếu nhi, kiến đắc bán biên tỵ” (tạm dịch: “Ngã tướng chẳng nghĩ bàn, Phật,
tổ chớ coi thường, riêng cho đứa con tệ, được thấy nửa bên mũi”). Đây là lời
thầy Ngài viết, khen ngợi chỗ ngộ của Ngài, Ngài ngộ gì chúng ta không
biết. Chúng tôi đọc bốn câu kệ này của sư Cao Phong, chúng tôi cũng không
cách gì hiểu được. Đúng là rốt cuộc quý vị ngộ nhưng vẫn chẳng ngộ. Nếu
lúc ngộ thì sẽ hiểu từng câu, từng chữ rành rẽ, nói với người chưa ngộ cũng
vô dụng. Bài kệ trên hoàn toàn giống với một ngàn bảy trăm đoạn công án.
Sau này có những người tham học đến thỉnh giáo ngài Cao Phong, Cao
Phong thiền sư bảo bọn họ: “Các ông có câu hỏi gì cứ đi hỏi ổng. Ông ta
pháp hiệu là Minh Bổn. Các ông qua mà hỏi ổng”. Cứ như thế, dần dần mọi
người biết Trung Phong thiền sư thực sự có năng lực chỉ dạy đại chúng.
Chúng ta biết chắc chắn Sư mới hai mươi bảy tuổi, tuổi tác chẳng lớn
lắm. Đương thời có vị xuất gia, “Hoài tăng Tử Chứng”,Hoài (淮) là tên đất,
Tăng là người xuất gia, Tử Chứng là pháp hiệu, “thường vấn Cao Phong
chư đệ tử ưu liệt” (thường hỏi Cao Phong về các đệ tử giỏi hay dở). Đại
khái, chúng tôi cho rằng vị này là người ngang vai vế với ngài thiền sư Cao
Phong Diệu. Có một lần, vị này hỏi Hòa Thượng: “Trong đám đệ tử ông có
ai ưu tú, thực sự khế nhập cảnh giới, có kiến địa chăng?” Ngài Cao Phong
nói:“Nhược sơ viện chủ đẳng” (trước hết kể từ hàng viện chủ), ý nói toàn bộ
đại chúng trong chùa, “nhất bán tri giải, bất đạo toàn vô” (kẻ biết một phần,
hiểu một nửa, chẳng thể nói là hoàn toàn không có ai), số người biết một
phần hiểu một nửa khá nhiều, Sư nêu tên mấy vị, rồi mới nhắc đến
Minh Bổn, “duy Bổn Duy Na” (chỉ có thầy Duy Na Minh Bổn), đại khái khi
ấy, ngài Trung Phong giữ chức Duy Na trong chùa, [nên gọi là] thầy Duy Na
Minh Bổn.