Trích Đoạn Khai Thị – Trích đoạn từ các bài giảng của Lão Hòa Thượng Tịnh Không
MP3 TĐ:234 – Phương Pháp nghe Kinh
------------------------------------------------------
Lưu ý: Playlist ở dưới sắp xếp theo tứ từ a->z, Trích đoạn bắt đầu bằng ký tự gì hãy tìm theo thứ tự của trích đoạn đó
------------------------------------------------------
TĐ:234 – Phương Pháp nghe Kinh
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
[Tinh Hoa Khai Thị 菁華開示 ] Trích đoạn:TĐĐK – tập, 127
Thời gian từ: 00h44m28s27 – 00h53m19s13
Tôi gặp hai người mà tôi rất bội phục. Hai người ấy đúng là nắm được cách bổ sung thiện căn và phước đức, tức là mỗi ngày nghe kinh mười giờ. Một năm ba trăm sáu mươi ngày, mỗi ngày chẳng bỏ suốt một buổi học nào. Thật ra, nếu có chuyện gì, không có cách nào khác, họ không ngủ cũng nghe đủ bốn giờ. Nghe bốn giờ là trong tình huống bất đắc dĩ, bình thường là mười giờ. Họ thật sự có trí huệ, thật sự nghe lời. Tổ sư đại đức dạy chúng ta “thâm nhập một môn, huân tu lâu dài”, họ đã nắm được, nên nghe kinh bèn nghe một bộ kinh. Nghe một bộ kinh thì họ cũng chẳng nghe rất nhiều! Nghe rất nhiều thì sao? Chẳng nhớ được! Mỗi ngày nghe mười giờ, có thể ghi nhớ hay không? Không có trí nhớ và sức lý giải mạnh như vậy, họ còn gặp khó khăn. Do đó, họ dùng phương pháp rất xảo diệu, mỗi ngày họ chỉ nghe đĩa ghi âm lời giảng trong một tiếng đồng hồ. Mỗi đĩa CD là một giờ, nghe [đĩa thâu âm] một giờ giảng ấy mười lượt, họ nghe giảng mười tiếng đồng hồ là nghe theo kiểu ấy. Một giờ giảng được nghe lặp đi lặp lại mười lần, họ nhớ được, nghe hiểu. Mỗi ngày nghe một đĩa, cứ mỗi đĩa là một giờ, làm theo cách ấy, ngày hôm sau mới nghe đĩa thứ hai. Nghe xong một bộ kinh, bèn nghe lại từ đầu. Nghe bao lâu? Nghe suốt mười năm. Thưa cùng quý vị, do mười năm ấy, họ đắc Niệm Phật tam-muội. Đắc Niệm Phật tam-muội là đắc Định, khai trí huệ. Trí huệ đã khai thì kinh chưa từng học, người ấy chẳng cần phải học, giống như Lục Tổ Huệ Năng đại sư, quý vị đọc cho người ấy nghe, người ấy bèn hiểu, và cũng có thể giảng cho quý vị nghe. Đó là gì? Một kinh thông, hết thảy các kinh đều thông. Con người chớ nên làm quá nhiều, làm nhiều thì đúng là “tham nhiều, nhai không nát”, sai mất rồi! Con người chớ nên học làm bậc đại thông gia, “ta thứ gì cũng đều hiểu”, sai mất rồi! [Thật ra] quý vị chẳng hiểu thứ gì! Quý vị thật sự có thể chuyên ròng, thông suốt một bộ kinh, sẽ bất tri bất giác trở thành bậc đại thông gia, thứ gì cũng đều hiểu! Do vậy, một kinh thông, hết thảy các kinh đều thông, mười năm! Ai nấy đều có thể làm được, vấn đề là quý vị có chịu làm hay không! Đặc biệt là người xuất gia, vì sao? Người xuất gia không cần phải đi làm, có đồng tu cúng dường quý vị, thời gian mỗi ngày là của chính mình. Mỗi ngày nghe kinh mười tiếng, niệm Phật tám tiếng, quý vị có thể làm được thì mười năm bèn thành tựu, quý vị đi giáo hóa chúng sanh, là bậc đại sĩ, chẳng phải là người tầm thường!
Vì thế, bao nhiêu người tập khí phiền não rất nặng, chẳng đầy đủ thiện căn và phước đức, chẳng tin tưởng, phí uổng thời gian, quá đáng tiếc! Nay đã giác ngộ thì hiện thời vẫn còn kịp! Tôi thấy có người sáu mươi tuổi mới bắt đầu, thật sự hành, bảy mươi tuổi thành tựu. Bảy mươi tuổi bắt đầu làm, tám mươi tuổi thành tựu, hạng người ấy đáng để kẻ khác bội phục. Tôi nghe nói có đồng học đã ngoài sáu mươi tuổi mới bắt đầu hành, nay đã bảy mươi mấy tuổi, mười năm bèn thành tựu. Thâm nhập một môn, huân tu lâu dài, một bộ kinh Vô Lượng Thọ, một câu Nam-mô A Di Đà Phật. Người như thế, tại gia bèn là cư sĩ Duy Ma, là Phật tại gia; xuất gia bèn là tổ sư đại đức, chẳng giả! Ai nấy đều làm được, chỉ cần quý vị thật sự nắm lấy cơ hội…