Ấn Quang Ðại Sư Khai Thị Tại Pháp Hội Hộ Quốc Tức Tai ở Thượng Hải
- Tác Giả: Ấn Quang Đại Sư
- Thời gian: năm 1936
- (Nguyên văn:Thượng Hải Hộ Quốc Tức Tai Pháp Ngữ)
- Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Liên Hương
- Giảo chánh và nhuận sắc: Tịnh nghiệp hành nhân Minh Tiến & Huệ Trang
- Giọng đọc: Quảng Âm
Download Ấn Quang Ðại Sư Khai Thị Tại Pháp Hội Hộ Quốc Tức Tai pdf
Ấn Quang Ðại Sư Khai Thị Tại Pháp Hội Hộ Quốc Tức Tai MP3
01 | 02 | 03 | 04 |
Youtube
Mục Lục – Ấn Quang Ðại Sư Khai Thị Tại Pháp Hội Hộ Quốc Tức Tai
DUYÊN KHỞI
LỜI TỰA TỰ ĐỀ
LỜI TỰA CHO TÁC PHẨM ẤN QUANG ĐẠI SƯ KHAI THỊ LỤC
TRIỆT NGỘ ĐẠI SƯ KHAI THỊ
THƯỢNG HẢI HỘ QUỐC TỨC TAI PHÁP HỘI PHÁP NGỮ
Ngày thứ nhất : Niệm Phật, ăn chay là căn bản để hộ quốc tức tai
Ngày thứ hai : Bàn về nhân quả báo ứng và sự giáo dục trong gia đình
Ngày thứ ba : Trần thuật nguyên lý nhân quả và nêu sự thực làm chứng
Ngày thứ tư : Giảng về nhân quả lớn lao để thành Phật và lược giải Tứ Liệu Giản
Ngày thứ năm : Giải thích sơ lược về giáo nghĩa Lục Tức của tông Thiên Thai, kiêm
giảng về việc ăn chay, phóng sanh
Ngày thứ sáu : Dùng Chân Ðế và Tục Ðế để phá trừ kiến chấp và trần thuật những
chuyện linh cảm gần đây
Ngày thứ bảy : Giảng về tội đại vọng ngữ và những sự như đại hiếu trong nhà Phật, trí
tri cách vật, thật thà niệm Phật v.v…
Ngày thứ tám : Pháp hội đã viên mãn, giảng Tam Quy, Ngũ Giới và các nghĩa lý trọng
yếu dành cho người niệm Phật
PHỤ LỤC
1. Pháp ngữ khai thị của lão pháp sư khi từ Thượng Hải trở về chùa Linh Nham
2. Một lá thư gởi khắp
3. Ba điều quan trọng nhất lúc lâm chung (Lâm chung tam đại yếu)
4. Sớ trùng tu ao phóng sanh chùa Cực Lạc ở Nam Tầm
DUYÊN KHỞI
Nhân đọc được cuốn sách nhỏ này vào năm 2002, chúng tôi thật cảm kích trước tấm lòng ưu thời mẫn thế từ bivô lượng của Tổ Ấn Quang nên đã gắng gượng chuyển ngữ sang tiếng Việt vào tháng Tư năm 2003, như một món quà nhỏ dành riêng cho liên hữu Vạn Từ, ngõ hầu đáp tạ những khuyến tấn chí tình của anh dành cho mạt nhân trên những bước chập chững “uống mật gấu” bon chen chuyển ngữ những tác phẩm Tịnh Độ vì lòng tham pháp, tiếc pháp. Nguyên bản mạt nhân sử dụng khi ấy là ấn bản của Hoa Tạng Tịnh Tông Học Hội. Trong tháng Mười năm 2006, qua một lần điện đàm cùng Pháp Sư Ngộ Sanh, sư cô cho biết Pháp Sư Ngộ Hạnh đang giảng tác phẩm này, và sư cô có nhã ý muốn in bản dịch này thành sách, đồng thời gởi tặng ấn bản mới nhất do ĐàiNam Tịnh Tông Học Hội ấn hành. Nhân đó, mạt nhân so sánh hai ấn bản, nhận thấy tuy hai ấn bản có những chỗ đại đồng tiểu dị, nhưng lời văn trong bản Đài Nam Tịnh Tông Học Hội gọn gàng hơn, tinh xác hơn, văn phong cũng gần gũi với cách viết trong Ấn Quang Văn Sao hơn, nên mạt nhân đã sửa lại bản dịch cũ cho khớp với bản Đài Nam Tịnh Tông Học Hội (với hy vọng bản dịch này sẽ là phần tham khảo cho băng giảng của Pháp Sư Ngộ Hạnh); đồng thời sửa lỗi chánh tả, đính chính những sai sót, cũng như “diễn nôm” một số thuật ngữ Hán Việt không thông dụng và thêm một số chú thích (theo lời dạy của Pháp Sư Ngộ Sanh). Một hai đoạn bị lược bỏ trong ấn bản của Đài Nam Tịnh Tông Học Hội, nhưng theo ngụ ý là rất quan trọng thì chúng tôi vẫn giữ nguyên theo ấn bản của Hoa Tạng Tịnh Tông Học Hội. Chúng tôi cũng tự tiện đưa thêm vào phần phụ lục bài văn khuyên phóng sanh của đại sư trích từ bộ Ấn Quang Tăng Quảng Chánh Biên Văn Sao nhằm bổ sung ý nghĩa lời giảng của đại sư trong ba ngày đầu tiên của pháp hội. Ngưỡng mong, tập sách dịch vụng về thô thiển này sẽ đem lại đôi chút lợi ích nhỏ nhoi cho những sơ cơ Tịnh nghiệp hành nhân như chúng tôi.
Trân trọng cảm tạ các đạo hữu Minh Tiến và Huệ Trang đã dành nhiều công sức giảo duyệt bản dịch này. Nếu việc làm tùy tiện, táo tợn này có chút phần công đức nào, đều xin hồi hướng về lịch đại phụ mẫu sư trưởng, hiện tiền phụ mẫu sư trưởng, cừu gia oán đối và các liên hữu cùng pháp giới chúng sanh đều được hội ngộ nơicõi Cực Lạc thanh lương.
Ngày mồng Một tháng Mười Một năm 2006, Bửu Quang Tự đệ tử Liên Hương kính ghi.
LỜI TỰA TỰ ĐỀ
Ấn Quang tôi là một ông Tăng phàm tục ở Tây Tần chỉ biết đến cơm cháo, trăm sự không làm được điều gì; túc nghiệp sâu nặng đến nỗi trời phải quở trách. Mới sanh được sáu tháng đã mắc bệnh mắt, trong suốt một trăm tám mươi ngày không mở nổi mắt. Ngoại trừ lúc ăn, ngủ ra, thường khóc suốt ngày đêm. Nhờ thiện lực xưa, may còn được thấy ánh mặt trời, cũng may mắn lắm! Ðến tuổi thiếu niên đọc sách, lại bị hãm vào vực xoáy báng Phật của Trình, Chu, Âu, Hàn. Từ đấy, hằng ngày chuyên chí bác Phật, nghiệp tướng lại hiện, bệnh tật triền miên. Tận lực nghĩ ngợi, suy xét cặn kẽ mới biết lỗi đó; năm hai mươi mốt tuổi, xuất gia làm Tăng. Nhân thấy Tăng chúng có kẻ chẳng như pháp nên phát nguyện chẳng trụ trì chùa miếu, chẳng thâu đồ đệ, chẳng hóa duyên, chẳng cùng ai kết xã lập hội. Hơn năm mươi năm chẳng đổi chí ban đầu, sống lẩn quất gần Ngô Môn. Ðầu tháng Chín, Lý Sự Trưởng (hội trưởng) hội Phật Giáo Trung Quốc là Pháp Sư Viên Anh, các vị lãnh tụ của Bồ Ðề Học Hội như Cư Sĩ Khuất Văn Lục v.v… thấy Quang tuổi cao, ngỡ tôi có chút tâm đắc, nào hay tôi chỉ biết húp cháo nuốt cơm, họ thỉnh tôi khi pháp hội Tức Tai Hộ Quốc khai mạc, sẽ đến đất Hỗ diễn thuyết. Cố từ chẳng được, chỉ đành đem điều mình hiểu biết lầm lạc bù đắp sự lầm lạc.
Ðến kỳ, mỗi ngày ông Ðặng Huệ Tải và hai ba vị Cư Sĩ ở Vô Tích đều dùng máy thu âm thu lại, nghe băng chép ra, mang đến xin tôi giám định để ấn hành. Bản sao lục này so với lời giảng có vài điểm sai khác đôi chút. Nhưng bản sao của ông Ðặng chép chữ to, nên tôi dựa theo đó, sửa đổi, tóm tắt lại. Cảo bản này bậc thông huệ chẳng cần xem đến, còn ai ngu độn như Ấn Quang tôi mà lại muốn ngay trong đời này kết liễu đại sự sanh tử và muốn trị tâm, trị thân, trị gia, trị quốc, nhưng chẳng biết bắt đầu từ đâu, xem đến cảo bản này, họa chăng có điều bổ ích vậy.
Trọng Ðông năm Bính Tý, Dân Quốc 25 (1936), Thích Ấn Quang đề.
LỜI TỰA CHO TÁC PHẨM
ẤN QUANG ĐẠI SƯ KHAI THỊ LỤC
Thế gian biến loạn do đâu? Nói gọn một lời: Do tâm tham – sân – si của chúng sanh tạo nên mà thôi. Tâm thamthuận theo sự hưởng thụ vật chất càng tăng trưởng mãnh liệt, hễ có chút gì chẳng toại ý liền ganh đua ngay. Nếu vẫn chẳng toại ý liền có công kích, chiếm đoạt, đấu đá khiến cho tử vong, tai nạn đi theo. Bởi đó dịch lệ đói kém theo đó xảy ra, hết thảy tai họa theo đó phát khởi. Lửa sân hừng hực, cả thế giới cháy sạch thành tro.
Chỉ mình đức Như Lai ta xiển dương sự thật Khổ, Không để trị lòng tham của chúng sanh, hoằng dương tông chỉ từ bi để trị lòng sân của chúng sanh. Ngài lại dạy pháp môn Tịnh Ðộ để chỉ dạy chúng sanh con đường lìa khổ hưởng vui, phương tiện vượt ngang ra khỏi tam giới. Là Phật tử, tin vào thể tánh bình đẳng của pháp giới, hiểu rõ tướng trạng nhân – quả, khổ – vui, biết công dụng tự – tha (ta – người), cảm – ứng, khởi vô duyên đại từ, đồng thể đại bi, ngày nào nỗi khổ của chúng sanh chưa trừ thì ngày đó trách nhiệm của kẻ thất phu chưa tận, nên trong ngày ấy, các sự nghiệp thỉnh pháp, tùy học, sám hối, cúng dường chưa thể ngưng nghỉ được. Tôngchỉ kiến lập pháp hội Hộ Quốc Tức Tai của Bồ Ðề Học Hội và các hội viên đã giống như thế, mà lão Pháp SưẤn Quang phó hội diễn thuyết cũng do bổn hoài ấy. Ðạo lý Hộ Quốc Tức Tai nào phải cầu nơi khác đâu!
Nếu ai nấy chẳng làm các điều ác thì những sự tổn hại chúng sanh đều sẽ chẳng ai làm, tham – sân chẳng đủ để tạo thành tai họa vậy! Ai nấy có thể vâng làm các điều thiện thì hết thảy những việc lợi ích chúng sanh không gì là chẳng làm, quốc gia ắt đạt đến cảnh bình trị vậy! Ai nấy có thể tu hạnh Tịnh Ðộ thì sẽ tự tịnh ý mình. Một niệm niệm Phật thì một niệm tương ứng với bi tâm của đức Di Ðà. Niệm niệm niệm Phật thì niệm niệm tươngứng với bi tâm của đức Di Ðà. Tịnh niệm tiếp nối, tham – sân tự trừ. Nếu thật sự được như thế thì Sa Bà chínhlà Tịnh Ðộ, còn lo chi cõi nước chẳng yên, tai nạn chẳng dứt nữa ư? Yếu nghĩa trong những lời khai thị nhiều phen của Ðại Sư chẳng ngoài điểm này. Nguyện ai đọc đến cuốn Ngữ Lục này sẽ tin nhận, vâng làm theo. Ðọc rồi mới biết trong đạo lý Hộ Quốc Tức Tai, hễ buông bỏ pháp môn Tịnh Ðộ thì còn pháp nào thích hợp nữa!
Mùa Ðông năm Bính Tý, Phật Giáo Tịnh Nghiệp Xã kính đề tựa.
TRIỆT NGỘ ĐẠI SƯ KHAI THỊ
Một là tin hễ có sanh ắt có tử, khắp cả thiên hạ từ xưa đến nay chưa hề có ai tránh khỏi.
Hai là tin nhân mạng vô thường, hơi thở ra tuy còn, hơi hít vào khó giữ, một hơi thở hít chẳng vào thì đã thành đời sau.
Ba là tin đường luân hồi hiểm trở, một niệm lầm lạc liền đọa nẻo ác. Ðược thân người như đất đọng trên móng tay, mất thân người như đất trong đại địa.
Bốn là tin nẻo khổ dài lâu, một phen chịu báo trong tam đồ là cả năm ngàn kiếp, biết khi nào mới ló đầu ra nổi!
Năm là tin lời Phật chẳng hư dối, vầng mặt trời, mặt trăng đây làm cho còn rơi rụng được, núi chúa Diệu Cao còn làm cho khuynh động được, chứ lời chư Phật chẳng hề sai khác.
Sáu là tin thật có Tịnh Ðộ giống hệt như Sa Bà hiện tại, hiện hữu rành rành.
Bảy là tín – nguyện liền sanh, nay mình đã nguyện thì nay mình sẽ sanh.
Kinh đã giảng rõ, nào dối ta đâu!
Tám là tin Vãng Sanh rồi sẽ chẳng thoái, cảnh thù thắng, duyên mạnh mẽ, tâm thoái chuyển chẳng khởi.
Chín là tin một đời thành Phật, thọ mạng vô lượng, việc gì chẳng xong!
Mười là tin pháp vốn duy tâm. Duy tâm có hai nghĩa: cụ (có đủ tất cả) và tạo (tạo ra tất cả). Các pháp vừa nói như trên tâm ta sẵn đủ, đều do tâm ta tạo ra.
Do tin lời Phật thì tạo thành bốn pháp sau (tức là từ điều 5 đến điều 8); chẳng tin lời Phật chỉ tạo ra bốn điều trước (điều 1 đến điều 4). Vì thế tin sâu lời Phật là tin sâu tự tâm; tu Tịnh nghiệp, đầy đủ mười thứ tín tâm này thì sanh về Lạc Ðộ như đưa bằng khoán lấy về vật xưa, nào khó khăn gì!
Tháng 7 năm Giáp Tý, Nột Ðường Ðạo Nhân viết.
THƯỢNG HẢI HỘ QUỐC TỨC TAI
PHÁP HỘI PHÁP NGỮ
Ấn Quang Pháp Sư giảng giải
Đặng Huệ Tải thuộc Phật Giáo
Nhật Báo ghi chép
Ngày thứ nhất: Niệm Phật, ăn chay là căn bản để hộ quốc tức tai.
Ấn Quang vốn là một ông Tăng tầm thường, vô tri, vô thức, chỉ biết đến cơm cháo, chỉ biết niệm Phật dăm câu, tuy sống uổng thời gian hơn bảy mươi năm, nhưng tuyệt chẳng hề triệt để nghiên cứu Phật Pháp. Pháp hội Hộ Quốc Tức Tai lần này, các vị kèo nài tham gia, vì tình nghĩa chẳng từ khước được. Vả lại, đây là chuyện quanhệ đến phước lợi quốc gia mà cũng là trách nhiệm tôi phải tận lực nên tôi chẳng nề mình hiểu biết sơ sài vụngvề đến dự pháp hội này. Ðiều tôi giảng hôm nay trọn chẳng phải là lý luận cao sâu gì, chỉ là thuật lại phương pháp căn bản để “Hộ quốc tức tai”. Còn về ý nghĩa quan trọng của pháp hội lần này, ngày mai sẽ bàn đến.
Mục đích của pháp hội lần này là hộ quốc tức tai. Làm sao mới đạt được mục đích này? Tôi cho rằng phương pháp căn bản là Niệm Phật vì sát kiếp và hết thảy tai nạn đều do ác nghiệp của chúng sanh chiêu cảm. Nếu tất cả mọi người đều niệm Phật thì nghiệp này sẽ xoay chuyển được. Nếu chỉ có một ít người niệm Phật thì nghiệpấy cũng có thể giảm nhẹ. Pháp môn Niệm Phật tuy là vì cầu sanh Tịnh Ðộ, liễu thoát sanh tử mà lập ra, nhưng sức tiêu trừ nghiệp chướng của nó quả thật cũng cực kỳ lớn lao. Người chân chánh niệm Phật trước hết ắt phải giữ vẹn đạo nghĩa, tận hết bổn phận, ngăn dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện. Cần nhất là phải hiểu rõ nhân quả, tự hành, dạy người hành. Hiện tại không thánh, không hiếu, khinh miệt đạo, phế luân thường, giết cha, chung vợ v.v… bao tà thuyết đều là do bọn Tống Nho bài bác nhân quả – luân hồi đến nỗi sanh ra ác quả này. Nếu như ai cũng hiểu rõ đạo lý nhân quả thì chẳng một ai dám xướng lên những thuyết sai lầm ấy cả. Trong thế gian, người tốt hoàn toàn chẳng biến đổi rất ít, kẻ xấu hoàn toàn chẳng biến đổi cũng rất ít; đa số là kẻ lúc thượng, lúc hạ, khi tốt, khi xấu, cho nên giáo hóa là điều khẩn yếu nhất vậy. Khổng Tử nói: “Duy hạ trí dữ hạ ngu bất di” (Chỉ bậc thượng trí và kẻ hạ ngu là chẳng thay đổi). Chỉ cần ra sức giáo hóa thì không một ai là chẳng thể khiến họ đổi ác theo lành, buông dao đồ tể, ngay lập tức thành Phật. Chỉlà do nơi con người tin tưởng, nghĩ nhớ, tận lực mà hành thôi.
Ngày nay xã hội Trung Quốc sở dĩ loạn lạc rối ren đến như thế này chính là do không được giáo hóa; nhưng giáo hóa phải bắt đầu từ lúc còn nhỏ, như hay nói: “Giáo phụ sơ lai, giáo nhi anh hài” (Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở ban sơ mới về). Nếu lúc nhỏ chẳng dạy, đến lúc lớn khó lòng lay chuyển. Vì sao? Tập tánh (thói quen) đã thành, không cách chi thay đổi được. Vì thế, người niệm Phật cần phải chú ý giáo dục con cái mình trở thành người tốt, giữ tấm lòng tốt, nói lời tốt, làm việc tốt. Nếu ai cũng làm được như thế thì tai nạn tự tiêu, quốc gia cũng giữ được hưởng phước bình trị dài lâu.
Chân lý mầu nhiệm căn bản của pháp môn Niệm Phật nằm trong ba kinh Tịnh Ðộ. Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện của kinh Hoa Nghiêm đã dạy: Niệm Phật chính là hạnh nguyện căn bản chẳng thể thiếu khuyết. VìThiện Tài đã viên mãn tâm Thập Tín, tham học với Tỳ Kheo Ðức Vân, được Ngài dạy cho pháp môn NiệmPhật, liền nhập vào Sơ Trụ, phần chứng Pháp Thân. Từ đấy, ông tham học với hơn năm mươi vị thiện tri thức,hễ nghe xong liền chứng, từ Nhị Trụ đạt đến Thập Ðịa là bốn mươi địa vị. Tối hậu, ở chỗ Phổ Hiền Bồ Tát, được nghe Ngài khai thị, được sức oai thần gia bị, sở chứng ngang với ngài Phổ Hiền, ngang với chư Phật, liền thành Ðẳng Giác Bồ Tát. Sau đó, Phổ Hiền Bồ Tát dùng mười đại nguyện vương dẫn dắt quy hướng Cực Lạc, khuyến khích, cổ vũ Thiện Tài và Hoa Tạng hải chúng nhất trí tinh tấn hành trì, cầu sanh Tây Phương Cực LạcThế Giới hầu mong viên mãn Phật Quả. Vì thế, biết rằng: Pháp môn Niệm Phật, tự phàm phu thuở ban đầu cũng có thể chứng nhập được, mà rốt cục đến bậc Ðẳng Giác cũng chẳng thể vượt ra ngoài nổi. Thật là pháp môn Tổng Trì trên thành Phật đạo, dưới giáo hóa chúng sanh, thành thỉ, thành chung của mười phương tam thế hết thảy chư Phật. Vì thế, pháp môn này được chín giới cùng hướng về, mười phương chung tán thán, ngàn kinh cùng xiển dương, vạn luận đều tuyên thuyết.
Phàm là người học Phật thì có một việc nên chú ý là rất cần kiêng ăn mặn vì ăn mặn sẽ tăng trưởng cơ duyên giết hại. Con người cùng hết thảy động vật cùng sanh trong vòng trời đất, tâm tánh vốn là bình đẳng, chỉ vì nhân duyên ác nghiệp đến nỗi hình thể sai khác quá xa. Nếu đời này quý vị ăn thịt chúng nó, đời mai sau chúngnó sẽ ăn thịt quý vị. Oan oan tương báo (oán hờn báo đền mãi), cơ duyên giết chóc đời đời chẳng có lúc nào kết thúc. Nếu như ai ai cũng ăn chay được thì sẽ vun bồi tâm từ bi của chính mình, tránh khỏi cơ duyên giết hại. Nếu không, dù cho niệm Phật, nhưng chỉ lo sướng miệng, vui bụng, ăn đẫy thức tanh hôi, có được lợi ích thật sự nhờ học Phật đâu! Hơn nữa, người đời nay ưa nói Thiền Tịnh Song Tu. Xét đến cùng cái gọi là Song Tu đó chỉ là khán câu “người niệm Phật là ai?” Ðấy là chú trọng tham cứu, chẳng ăn nhập gì đến việc sanh Tín phát nguyện cầu Vãng Sanh của Tịnh Ðộ cả, rõ ràng là hai chuyện khác biệt! Thêm nữa, Thiền Tông nói: “Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật” là nói đến đương nhân đích thân thấy được chính nơi tâm vốn sẵn đủ Phật tánh. Mật Tông nói: “Ngay thân này thành Phật” (tức thân thành Phật) tức là ngay thân này được giải thoát sanh tử thì đó là “thành Phật”. Nếu vội hiểu những lời đó có nghĩa là ngay chính nơi thân này có thể thành tựu được vị Phật vạn đức đầy đủ, phước huệ viên mãn thì lầm to, lầm to mất rồi!
Bởi lẽ, “kiến tánh thành Phật” của Thiền Gia là sở chứng của địa vị đại triệt, đại ngộ. Nếu đoạn được Kiến Hoặc và Tư Hoặc trong tam giới mới có thể liễu sanh thoát tử. “Tức thân thành Phật” của Mật Tông chẳng qualà nói về địa vị mới liễu thoát sanh tử. Ðịa vị đó là bậc A La Hán trong Tiểu Thừa đã liễu sanh tử, bậc Sơ Tín trong Viên Giáo đã đoạn Kiến Hoặc, bậc Thất Tín đoạn Tư Hoặc rồi mới giải quyết xong sanh tử. Bậc Thất Tínvà A La Hán tuy cùng liễu sanh tử nhưng thần thông, đạo lực khác xa nhau vời vợi. Bát Tín, Cửu Tín, Thập Tín phá được Trần Sa Hoặc, cho đến Thập Tín Hậu Tâm phá một phẩm Vô Minh, chứng một phẩm Tam Ðức bí tạng, nhập vào Sơ Trụ, thành bậc Pháp Thân Ðại Sĩ. Trải qua Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Ðịa, Ðẳng Giác là bốn mươi mốt địa vị rồi mới chứng nhập địa vị Phật. Lịch trình còn lâu xa như thế đó, làm sao mà một bước vọt đến nơi ngay cho được? Người tu Tịnh Ðộ đã sanh về Tây Phương liền liễu sanh tử thì cũng là “tức thân thành Phật”, nhưng Tịnh Tông chẳng nêu cái thuyết tiếm phận ấy. Ðem so với việc thuần cậyvào tự lực của nhà Thiền thì sự khó – dễ thật là sai khác một trời một vực. Kính mong các vị dự hội suy nghĩ chín chắn điều này.