Khoa Học Chứng Minh Lục Đạo Luân Hồi
- Người giảng: Giáo Sư Tiến Sĩ Kinh Tế Học Mỹ, Ngài Chung Mao Sâm. (Cư Sĩ Chung Mao Sâm – Pháp Sư : Định Hoằng)
- Giám định: Lão Pháp Sư Tịnh Không
- Phòng 103 Hội Trường Trung Tâm Thương Mại Quốc Tế Đài Bắc
- Cẩn dịch: Phước Tịnh Cư Sĩ, Vọng Tây Cư Sĩ.
Khoa Học Chứng Minh Lục Đạo Luân Hồi Mp3
001 | 002 | 003 | 004 |
Youtube
Kính thưa chư vị Pháp sư, chư vị Đại đức, chư vị đồng tu, xin chào mọi người!
Hậu học rất vinh dự lần đầu tiên được đến với quý đảo Đài Loan, có được pháp duyên thù thắng như thế này, có thể cùng với chư vị Đại đức ở nơi đây thảo luận: “Chứng minh của khoa học về nhân quả luân hồi”. Trong thời đại hiện nay, buổi thảo luận này rất là quan trọng.
Hậu học trước khi đến Đài Loan đã đi đến Hồng Kông để chúc tết Ân sư Tịnh Không thượng nhân. Ân sư Ngài đã ân cần dặn dò tôi: “Giáo dục nhân quả là giáo dục quan trọng nhất để cứu vãn thế đạo nhân tâm”. Vì vậy Ân sư Ngài cũng khuyến khích hậu học đi các nơi trên thế giới để thúc đẩy tuyên giảng nhân quả luân hồi. Cho nên hậu học cảm thấy rằng sứ mệnh giáo dục nhân quả vô cùng quan trọng, vì vậy không suy nghĩ, đã đi đến quý đảo để chia sẻ chủ đề này với mọi người, cũng là để thỉnh giáo với mọi người.
Chuyến vân du diễn giảng ngày hôm nay tại quý đảo là điểm cuối cùng, điểm thứ 11. Trong hai tuần này, hậu học tôi đi đến Đài Nam, Cao Hùng, Cương Sơn, Đấu Lục, kể cả các nơi ở Đài Bắc v.v… để diễn giảng, cũng đã đến nhà tù, đến nơi tạm giam, đến hội trường của sở cảnh sát, cùng mọi người thảo luận với nhau.
Đối với nhân quả luân hồi và chân tướng của vũ trụ nhân sanh, kỳ thật từ xưa đến nay người ta mãi vẫn đang tìm tòi, bởi vì con người có sanh ắt sẽ có tử. Về việc sanh tử, mọi người nên suy nghĩ, sanh tử đến như thế nào, sanh từ nơi nào đến, chết đi về đâu? Thậm chí nên suy nghĩ rằng có thể chấm dứt được chuyện sanh tử không? Không sanh không tử? Những vấn đề này có thể nói trong lịch sử đã nghiên cứu mấy ngàn năm rồi; ở trong những tín ngưỡng, văn hóa, tôn giáo trong và ngoài nước cũng có những đáp án rất phong phú. Chẳng hạn như Khổng Tử – Thánh nhân của dân tộc chúng ta – trong chú giải “Kinh Dịch” có cho chúng ta biết về “Tinh khí vi vật du hồn vi biến”. Du hồn là nói đến trạng thái con người trước khi đầu thai và sanh ra, tinh khí là chỉ trạng thái cha mẹ sinh ra sau khi đầu thai. Tuy nhiên, Khổng Tử Ngài cũng có nói “Vị tri sanh yên tri tử”. Cho nên với đạo lý của sự sống Ngài giảng rất nhiều, nhưng đạo lý về cái chết thì nói rất ít, nhưng Ngài cũng nói sơ qua cho chúng ta: “Sự thật con người sau khi chết vẫn còn tồn tại sự sống”.
Cũng gần giống như Ngài Khổng Tử, cùng thời đại đó, có Thánh nhân Plato ở Phương Tây. Trong tác phẩm “Lý Tưởng Quốc” của ông cũng mô tả đến những vấn đề của sự sống và cái chết, đặc biệt có người miêu tả tình tiết của con người khi linh hồn ra khỏi thể xác. Phật Tổ của chúng ta – Thích Ca Mâu Ni Phật đối với sanh tử luân hồi, chân tướng trong sáu đường Ngài đã giảng cho chúng ta nghe càng rõ ràng hơn.
Ngoài những vị cổ Thánh tiên Hiền đã giảng dạy cho chúng ta về chân tướng của vũ trụ nhân sanh này, thì trong lịch sử trong và ngoài nước cũng có rất nhiều ghi chép nổi tiếng đối với chuyện chuyển thế luân hồi. Trong chính sử của đất nước ta cũng có rất nhiều câu chuyện nói đến sự chuyển kiếp luân hồi. Chúng ta tạm thời không bàn chuyện giả sử mà chỉ bàn chính sử, đều được sự công nhận của các vị vua ở trong chính sử, có nhiều bài viết về vấn đề này. Có bài viết nói nhà thơ tiên Lý Bạch đời nhà Đường sau này chuyển kiếp thành Quách Tường Chánh ở vào đời nhà Tống (chuyện này có ghi chép trong “Tống Sử” trang 10 tập 3 quyển 444). Vào thời Nam Bắc Triều vẫn còn có Lương Nguyên Đế, tiền kiếp của ông là một vị xuất gia tên là Miễu Mục Tăng (Chuyện này ghi trong “Nam Sử Lương Ký” ở trang 1 tập 3 quyển 8). Còn có câu chuyện người trời chuyển kiếp, ví dụ như trong “Đường Thư” trang 3 tập 2 quyển 27 có ghi chép câu chuyện của Hoàng đế Đường Đại Tông đời Đường là một vị thần đến đầu thai.
Ngoài ra, còn có chuyện con người chuyển kiếp thành động vật. Thí dụ nổi tiếng là Đại tướng Bạch Khởi thời đại Chiến Quốc nhà Tần cùng với nước Triệu đánh nhau. Đại tướng nước Triệu là luận binh trên giấy, không biết cách sử dụng binh. Kết quả là 400.000 binh lính nước Triệu bị bắt làm tù binh đại bại, đương nhiên 400.000 binh lính của nước Triệu trong tay không một tấc sắt đều bị chôn sống. Vì vậy, về sau trong “Đông Châu Liệt Quốc Chí” có ghi lại vào những năm cuối đời Đường, có một hôm trên trời bỗng nổi lên một trận sấm sét và đánh một con trâu chết tươi. Kết quả phát hiện trên bụng của con trâu có viết hai chữ “Bạch Khởi”. Đối với câu chuyện này lịch sử có bình luận: “Bạch Khởi do giết người quá nhiều, cho nên ông ta đời đời kiếp kiếp đều phải mang thân súc sanh để chịu quả báo, và còn phải chịu nhận quả báo bị sét đánh chết”.
Trong những ghi chép của lịch sử còn đăng thêm lời giáo huấn của cổ Thánh tiên Hiền, vì vậy người xưa đối với chuyện chuyển kiếp luân hồi nhân quả báo ứng kỳ thật chẳng nghi ngờ chút nào. Con người trong thời đại này, do khoa học phát triển, đối với chuyện luân hồi chuyển kiếp bắt đầu không tin tưởng, đây có lẽ là bởi vì cho rằng hễ nói đến luân hồi thì chỉ trong tôn giáo mới có, cho rằng đây là khái niệm ở trong tôn giáo. Tất cả đều bị bác bỏ cho là mê tín, là phản khoa học. Đại khái vì khoa học và tôn giáo mấy trăm năm lại đây thật giống như oan gia.
Bạn xem trong thập kỷ 70, khi Tây Âu đang lúc khoa học vừa mới bắt đầu khởi sắc, lúc đó có rất nhiều nhà thiên văn học đã phát hiện trái đất không phải là trung tâm của vũ trụ. Học thuyết này vi phạm quan điểm của tôn giáo lúc đó, cho nên bị tôn giáo đồ lúc đó bác bỏ, cho là dị đoan tà thuyết. Giống như nhà thiên văn học người Ý là Galileo, lúc đó khăng khăng giữ học thuyết “Trái đất thật sự không phải là trung tâm của vũ trụ mà chỉ là một hành tinh nhỏ ở bên trong vũ trụ”. Học thuyết này hiện nay chúng ta đều biết là đúng, nhưng vào thời đó, người khăng khăng cố giữ học thuyết này đều bị tôn giáo đồ hãm hại, Galileo bị bắt bỏ tù chung thân. Còn có Bruno cũng bị bắt thiêu sống. Bạn xem, người xưa dùng tôn giáo để phản bác khoa học, còn người hiện nay thì lại dùng khoa học để phản bác tôn giáo, đây gọi là nhân nào quả đó, nhân quả báo ứng rõ ràng. Nhưng chúng ta nên biết, chân lý là phải chịu muôn vàn thử thách của khoa học và cũng chẳng sợ khoa học kiểm nghiệm.
Trong mấy mươi năm gần đây, ở phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, sự phát triển của những ngành khoa học như tinh thần y học, tử vong y học, tâm lý học, sinh lý học thực sự đã cung cấp cho chúng ta rất nhiều chứng cứ khoa học chứng thực con người thật sự có luân hồi chuyển kiếp. Hậu học mấy năm gần đây không ngừng sưu tầm và nghiên cứu những tài liệu nói về vấn đề này. Kết quả tài liệu nói về vấn đề này rất là phong phú. Hậu học hai ngày hôm nay có được nhân duyên như vậy liền đến giới thiệu một cách đơn giản cho mọi người về thành quả của Phương Tây đối với chuyện luân hồi chuyển kiếp.
Trước khi giới thiệu, tôi muốn kể cho mọi người một câu chuyện điển hình. Câu chuyện này xảy ra ở Trường Đại học Virginia của Hoa Kỳ. Giáo sư Ian Stevenson, nhà tinh thần tâm lý học nổi tiếng, cả cuộc đời bốn mươi mấy năm đã sưu tập và nghiên cứu hơn 3.000 câu chuyện, những câu chuyện này chứng thực là có sanh tử luân hồi. Đối tượng nghiên cứu của ông chủ yếu là những em thiếu nhi từ hai đến bảy tuổi. Các em thiếu nhi ở trong giai đoạn có thể nói chuyện được. Các em có thể nhớ lại tiền kiếp của chính bản thân mình. Tình huống được kể ra đều là những chuyện đã xảy ra mấy mươi năm, thậm chí mấy trăm năm trong quá khứ, mà còn có thể miêu tả lại những chi tiết này thật tỉ mỉ và chân thật. Mọi việc đều được xác minh.
Một kiệt tác trong giai đoạn đầu của Giáo sư Stevenson có tên “Hai Mươi Chuyện Tái Sanh Điển Hình”. Trong tác phẩm này, hậu học xin chọn ra một câu chuyện để kể cho mọi người nghe. Câu chuyện này kể về một bé gái người Ấn Độ tên là Swarnlata. Swarnlata ra đời vào ngày 2 tháng 3 năm 1948, tại thành phố Phanna của Ấn Độ. Khi cô bé 4 tuổi, cô bé này có thể kể lại chuyện của chính bản thân mình đã gặp trong kiếp trước. Bản thân cô kiếp trước sống ở phố Kai Dili, trong gia đình mang họ Pashake. Gia đình cô hiện sống và gia đình mà kiếp trước cô sống căn bản là hai nhà chẳng có quen biết nhau. Có một hôm, cô bé này cùng với người cha của mình đi ngang qua phố Kai Dili kiếp trước cô đã sống. Kết quả khi vừa thấy thành phố này, cô cảm giác như rất quen thuộc, trước đây đã sống qua nơi này. Cho nên cô liền nói với cha của mình: “Thưa cha, nhà của con ở gần chỗ này, chúng ta đi đến đó uống trà nhé!”. Nhưng cha của cô trả lời: “Con gái ngốc ơi, nhà của mình không phải ở đây!”. Kể từ lúc đó, cô bé này liền bắt đầu không ngừng miêu tả đủ hết những câu chuyện ở kiếp trước, gây sự chú ý cho cha mẹ.
Về sau, câu chuyện này được truyền đến chỗ của Giáo sư Stevenson, thế là Giáo sư cùng với những đồng nghiệp người Ấn Độ, các nhà nghiên cứu cùng nhau tiến hành điều tra xác minh câu chuyện này. Những vị Giáo sư này liền căn cứ vào các tình huống mà cô bé đã miêu tả, tìm đến gia đình nơi cô bé đã sống ở kiếp trước. Thì ra, cô bé này kiếp trước ở trong gia đình này là một người mẹ. Cô tên là Shakespeare, qua đời vào năm 1939.
Lúc cô bé này đi đến gia đình mà kiếp trước đã sống, dường như vừa gặp được mỗi người trong gia đình cô cảm thấy quen, tên của mỗi một người đều có thể nói ra liền một mạch. Chân thật giống như người thân cũ trở về nhà, hỏi thăm sức khỏe mọi người lâu rồi mới gặp lại, hỏi thăm mọi người đều khỏe hết chứ? Các vị giáo sư này liền tiến hành thẩm tra cô bé, cho cô bé làm một số trắc nghiệm. Trong đó có trắc nghiệm cho Shakespeare kiếp trước là một người mẹ, bỏ lại người chồng và đứa con. Gọi đứa con đến trước mặt của cô bé, cố ý làm rối loạn suy nghĩ của cô bé, liền giới thiệu với cô bé rằng người này là như vậy như vậy mà không giới thiệu ông ấy là con của Shakespeare. Kết quả cô bé này cũng nhận ra được đứa con trong tiền kiếp của mình, không hề bị rối loạn tư tưởng, kiên quyết nói rằng đây chính là con của tôi, tên của ông ấy là Maili và còn biểu hiện tình yêu thương của người mẹ hiền đối với đứa con trong tiền kiếp của mình. Chúng ta biết được, người con của cô ấy trong đời này tuổi tác lớn hơn cô, không ngờ rằng cô bé này biểu hiện ra thật là giống một người mẹ hiền đối đãi với con của mình.
Càng thú vị hơn là cô bé Swarnlata này có thể kể ra câu chuyện riêng tư của ông chồng tiền kiếp của cô. Vốn dĩ người chồng trong tiền kiếp của cô đã lấy đi 1.200 rúp tiền riêng ở trong tủ tiền của cô, vẫn chưa hoàn trả lại cho cô. Câu chuyện vẫn chưa có ai biết được, chỉ có chồng của cô ở trong lòng biết rất rõ. Kết quả là cô bé đã đem câu chuyện này kể hết ra cho mọi người nghe, khiến cho ông chồng của cô đỏ mặt tía tai mà chấp nhận.
Vì vậy, chúng ta không nên cho rằng đã mượn tiền của người trong nhà không chịu hoàn trả là không có chuyện gì nhé! Kết quả chẳng ngờ chủ nợ đến đời sau họ vẫn còn nhớ. Vì vậy không được nói mắc nợ không chịu trả, mà nhất định phải trả.
Mọi người có thể chú ý đến cô bé này tự mình nói: “Bà Shakespeare đã qua đời vào năm 1939”. Câu chuyện này cũng đúng với sự thật, đã qua sự xác minh của các vị giáo sư. Cuộc đời của bé gái này được sinh ra vào năm 1948, cho nên thời gian cách nhau ở khoảng giữa là chín năm.
Có người sẽ hỏi trong khoảng chín năm đó cô bé đã đi đâu? Cô bé này chính từ miệng mình nói ra, cô bé nói trong chín năm đó cô đã đi đầu thai một lần ở một làng quê nhỏ nước Bengal (là quốc gia gần với Ấn Độ), và cũng là một bé gái. Cô bé này đến chín tuổi thì qua đời. Làm sao chứng minh đây? Cô bé này rất vui vẻ hát một bài dân ca của nước Bengal, mà còn hát đi hát lại một cách say đắm trong tiếng hát của mình, nhảy múa rất uyển chuyển. Mẹ của cô bé cũng như mọi người đều không hiểu tiếng Bengal, cho nên chỉ nhìn xem cô bé vừa hát vừa nhảy, cũng không biết cô đang hát cái gì, đang nhảy điệu gì, chỉ nhìn thấy cô bé trong bộ dạng rất là thỏa mãn.
Về sau, Giáo sư Stevenson cùng với các đồng nghiệp người Ấn Độ của ông trong lúc đi điều tra, trong đó có một vị học giả người Ấn Độ biết được tiếng Bengal, cho nên trong lúc bé gái đang hát liền vội vàng ghi lại lời của bài hát. Những ca từ này là miêu tả người nông dân đang trong mùa bội thu. Tâm trạng vui mừng đó là khen ngợi thiên nhiên. Những ca từ này được phiên dịch sang tiếng Anh, cũng được in trong luận văn của Giáo sư Stevenson. Về sau, các vị giáo sư này liền đem những ca từ này, thật ra là muốn đi tìm cô bé đã nói ở kiếp trước thuộc làng quê của nước Bengal. Kết quả thật sự tìm được. Vừa xác minh, quả nhiên người ở trong làng này họ thật sự rất thích hát bài dân ca này và cũng có thể vừa hát vừa nhảy rất uyển chuyển theo bài hát. Cho nên, thí dụ này bày ra sờ sờ trước mắt của chúng ta, chứng minh “Con người sau khi chết không phải không còn gì, mà đích thực là có luân hồi chuyển kiếp”.
Con người hiện đại chúng ta chẳng tin có chuyện luân hồi như vậy, cho nên làm ra dáng vẻ luân hồi là mê tín không phù hợp với tinh thần khoa học. Vậy chúng ta xem thử cái gì được gọi là tinh thần khoa học? Tinh thần khoa học có thể nói có hai điểm: một cái gọi là “Thực chứng cầu chân” và một cái gọi là “Khả trùng phục tánh”. “Thực chứng cầu chân” là chỉ sự thật cầu thị, như vậy mà thừa nhận; “khả trùng phục tánh” là bạn làm cái thực nghiệm này lặp đi lặp lại nhiều lần. Trương Tam làm cũng như vậy, Lý Tứ làm cũng như vậy, Vương Ma Tử làm thì cũng như vậy. Kết luận đều là như nhau, thì điều này mới được gọi là khoa học thực nghiệm.
Giáo sư Stevenson căn cứ vào tinh thần khoa học, dùng hơn 3.000 trường hợp điển hình, lặp đi lặp lại vì chúng ta mà chứng minh luân hồi là thật sự có. Với ông, mỗi trường hợp đều được tiến hành điều tra nghiên cứu tỉ mỉ, một chút cẩu thả cũng không có, cho nên cũng nhận được rất nhiều lời khen ngợi cao độ của giới khoa học, giới học thuật Hoa Kỳ. Tạp chí y học của Hoa Kỳ có tên “Nghiên Cứu Về Bệnh Của Não Và Thần Kinh” đối với Giáo sư Stevenson có bình luận và đánh giá cao. Tạp chí nói rằng: “Nếu như Giáo sư Stevenson không phải đang gây ra một điều sai lầm to lớn, thì chắc chắn ông phải là Galileo của thế kỷ 20”. Người Hoa Kỳ nói chuyện đều thích nói ngược, họ nói: “Nếu như bạn không phải đang làm ra một điều sai lầm”. Đương nhiên ông không làm điều sai lầm, làm sao mà nói một người làm sai mà làm hơn 40 năm, nghiên cứu hơn 3.000 trường hợp, vì vậy mới khen ngợi ông, nói ông là Galileo của thế kỷ thứ 20.
Chúng ta vừa nhắc đến Galileo, nhà thiên văn học của thế kỷ 17 người Ý. Lúc đó, ông đề xuất học thuyết trái đất không phải là trung tâm của vũ trụ. Đối với tôn giáo thời đó, kiểu quan niệm truyền thống này là một thách thức và chấn động vô cùng to lớn. Chúng ta biết rằng, hiện nay thế kỷ 20, Giáo sư Stevenson đã chứng minh nghiên cứu khoa học về luân hồi, điều này cũng đúng với quan niệm khoa học truyền thống, là một thách thức và chấn động vô cùng to lớn. Chúng ta tin tưởng, cùng với sự phát triển không ngừng của khoa học, sự thật của việc luân hồi càng ngày càng được nhiều người trong xã hội chấp nhận.
Ở phương Tây, đối với việc nghiên cứu khoa học về luân hồi chuyển kiếp có thể nói là kết quả vô cùng phong phú. Hậu học có thể nói trong khoảng thời gian bốn giờ ngắn ngủi này phải kể ra những câu chuyện này là chuyện không phải dễ dàng. Hậu học tôi cơ bản đem kết quả nghiên cứu khoa học của phương Tây chia thành năm lĩnh vực nghiên cứu. Chia ra cũng không chuẩn xác lắm, nhưng có thể dễ dàng cho việc chia sẻ.
NĂM LĨNH VỰC MÀ PHƯƠNG TÂY CHỨNG MINH VIỆC NGHIÊN CỨU LUÂN HỒI:
- Thứ nhất, nghiên cứu linh hồn tồn tại.
- Thứ hai, nghiên cứu điều tra trường hợp những người có thể nhớ được kiếp trước của mình.
- Thứ ba, dùng phương pháp thôi miên. Đây là chỉ một số bác sĩ tâm lý đến giúp trị bệnh những bệnh nhân tâm thần, họ dùng phương pháp thôi miên giúp nghiên cứu một số bệnh nhân tâm thần nhớ về kiếp trước.
- Thứ tư, nghiên cứu đối với đời sống trong không gian không đồng duy thứ. Đời sống trong không gian duy thứ khác nhau này nói một cách đơn giản chính là quỷ, là thần (người phương Tây gọi là Thiên sứ). Loại đời sống tâm linh này nhục nhãn nhìn không thấy được.
- Thứ năm, nghiên cứu đối với đặc dị công năng. Vì rất nhiều người có đặc dị công năng có thể quan sát được kiếp trước, báo trước được cái gọi là quá khứ vị lai. Những người này đối với việc nghiên cứu luân hồi chuyển kiếp cũng có rất nhiều cống hiến.
Sau khi chúng tôi chia sẻ xong năm lĩnh vực nghiên cứu này, chúng ta cần tiến thêm một bước đi sâu vào tư duy, chứng thực sự tồn tại của luân hồi là thật. Vậy chúng ta hãy nghĩ xem, luân hồi diễn ra như thế nào? Nên tiến thêm một bước mà suy xét. Trong sự luân hồi của chúng ta, sự thật là rất nhiều đau khổ, có thể vượt qua sanh tử luân hồi mà vĩnh viễn thoát khỏi sự đau khổ hay không? Hai ngày này, tôi đến đây là để cùng chung thảo luận những vấn đề này.
THỨ NHẤT, NGHIÊN CỨU CỦA NGƯỜI PHƯƠNG TÂY ĐỐI VỚI SỰ TỒN TẠI CỦA LINH HỒN.
Vấn đề thảo luận thứ nhất là sự nghiên cứu của người phương tây đối với sự tồn tại của linh hồn. Chúng ta biết, muốn chứng thực có sự luân hồi đương nhiên điều kiện đầu tiên chính là chứng minh con người có sự tồn tại linh hồn. Bạn nghĩ xem, nếu con người không có linh hồn thì thử hỏi cái gì đang luân hồi? Cho nên trước tiên chúng ta xem thử, giới khoa học Phương Tây làm sao mà chứng minh được sự tồn tại của linh hồn?
Nghiên cứu của Phương Tây chứng minh sự tồn tại của linh hồn – một trào lưu chủ yếu, cái gọi là “Nghiên cứu thể nghiệm cận cái chết”. Trên thực tế chỉ những người gần với tử vong, chính là những bệnh nhân sắp chết, họ có thể nằm trên bàn phẫu thuật, bác sĩ đang giải phẫu để cứu họ. Những người này họ hôn mê rồi qua đời, linh hồn của họ vào lúc này sẽ rời thể xác, hoặc là ở nơi xa nhìn thấy cái xác của mình vẫn còn nằm trên bàn phẫu thuật. Tiếp theo đó, họ sẽ thấy rất nhiều cảnh tượng không như nhau. Sau đó linh hồn lại quay trở lại trong cái thân của mình, bác sĩ trong lúc này đợi để cứu họ tỉnh lại. Sau khi họ tỉnh lại, họ liền kể lại cho bác sĩ điều mà họ đã thấy đã nghe sau khi linh hồn vừa ra khỏi thể xác. Loại thể nghiệm này gọi là thể nghiệm cận cái chết.
Thật ra, thể nghiệm cận cái chết là một hiện tượng khá phổ biến. Căn cứ vào thống kê của một công ty nổi tiếng ở Hoa Kỳ, ví dụ thống kê của Công ty Gallo, ước chừng có khoảng 13 triệu người thành niên ở Hoa Kỳ có trải qua thể nghiệm cận với cái chết, nếu tính thêm trẻ em thì số lượng tăng rất đáng kể. Ở Trường Đại học Connecticut của Hoa Kỳ, có một vị nghiên cứu là Tiến sĩ Kenneth Ring. Nhóm nhỏ nghiên cứu của ông tiến hành nghiên cứu đối với mấy trăm trường hợp thể nghiệm cận cái chết. Họ kết luận rằng: khoảng 35% người bệnh có thể nghiệm cận cái chết.
Về phương diện này người ta nghiên cứu rất nhiều. Một số vị khá nổi tiếng xin được nêu tên trước mọi người là giáo sư khoa nhi của Đại học Washington Hoa Kỳ – Tiến sĩ Melvin Morse, giáo sư Đại học Nevada của Hoa Kỳ – Giáo sư Raymond Moody, chuyên gia nổi tiếng về vấn đề tử vong – Bác sĩ tâm lý Elisabeth Kübler-Ross. Vị Tiến sĩ Ross cả cuộc đời của ông sưu tầm hơn 20.000 trường hợp thể nghiệm cận cái chết, bao gồm tự bản thân của ông đã có hai lần thể nghiệm cận cái chết. Cho nên ông xứng đáng là chuyên gia nổi tiếng nghiên cứu về thể nghiệm cận cái chết.
Ngoài những vị này ra còn có giáo sư ở Đại học California của Hoa Kỳ – Giáo sư Charles Tart. Trong luận văn cũng có liên quan với thể nghiệm cận với cái chết, cũng không ngừng đăng tải trên tạp chí y học nổi tiếng của quốc tế. Ví dụ như tạp chí “The Lancet” có đăng “Nghiên cứu thể nghiệm cận cái chết” v.v… Vào năm 1978, một số học giả có thế lực ủng hộ công lý đã thành lập nên “Hiệp Hội Nghiên Cứu Thể Nghiệm Chết Lâm Sàng Quốc Tế”. Hiệp hội này là chuyên biệt để nghiên cứu phương diện thể nghiệm cận cái chết. Có thể nói sự nghiên cứu trên lĩnh vực này phát triển rất mạnh mẽ.
Tiếp theo, tôi xin giới thiệu ngắn gọn về thành quả nghiên cứu của họ.
Có một chuyên gia của Hội Nghiên cứu Tâm linh Hoa Kỳ tên là Karlis Osis. Từ năm 1959, ông bắt đầu tham gia nghiên cứu thể nghiệm cận cái chết, đã sưu tập mấy trăm trường hợp về lĩnh vực này. Sau này, vào năm 1972 đã phát biểu một báo cáo về nghiên cứu khoa học, chủ đề này có tên gọi “Thời Khắc Tử Vong”. Trong bản báo cáo này ông tổng kết thể nghiệm cận cái chết. Ông nói: “Đa số bệnh nhân lúc lâm mạng chung thời đều rơi vào trong trạng thái mơ hồ. Nhưng cũng có số ít người đến giây phút cuối cùng vẫn giữ được đầu óc minh mẫn, những người này sẽ thấy được kiếp sau”. Họ nói họ nhìn thấy được đủ các loại cảnh tượng, có người còn nhìn thấy thân bằng quyến thuộc đã qua đời, có người còn nhìn thấy được nhiều sắc màu rất đẹp đẽ, nhiều cảnh giới rất siêu phàm, có người còn nhìn thấy các vị Thần linh v.v… Thể nghiệm của họ có sức ảnh hưởng rất nhiều, mang cho họ cảm tình của tôn giáo là sự hiền hòa yên tĩnh và an nhàn. Đây là một tổng kết của ông.
Từ năm 1972 đến năm 1974, có một nhà nghiên cứu là Tiến sĩ Raymond A Moody cũng thông qua 150 trường hợp thể nghiệm cận cái chết để công bố một nghiên cứu tên là “Sự Sống Đằng Sau Sự Sống”, vào năm 1975. Ông cũng sử dụng những nghiên cứu này để chứng minh sự phát hiện của Osis, miêu tả cho chúng ta giống như vậy, các yếu tố chung của thể nghiệm cận cái chết. Ông nói thí dụ một người nằm đang trên giường bệnh, lúc này họ cảm thấy cơ thể đau đớn đến tột cùng, họ liền nghe bác sĩ tuyên bố đã chết rồi. Trong lúc này họ sẽ nghe được âm thanh của tiếng chuông, hoặc tiếng ồn của âm thanh vù vù, sau đó họ sẽ thấy một đường hầm màu đen để qua phía bên kia, từ đường hầm đi ra họ thấy được chính họ đã rời khỏi thi thể của mình. Đây là một hình thức tồn tại của cơ thể tâm linh. Ngay sau đó có người sẽ thấy được người thân đã chết của mình, có người nhìn thấy được vầng ánh sáng hoặc là các vị Thần linh. Họ nói sự sống của vị Thần linh này là một luồng ánh sáng. Ví dụ như những người đạo Thiên Chúa, họ sẽ gặp được Chúa Giê Su, đều là những nhân vật trong tôn giáo này. Các vị Thần linh này rất thân mật, rất nhiệt tình đến đón tiếp họ, sau đó thì giống như là chiếu phim, liền chiếu lại các sự kiện chủ yếu cả cuộc đời của họ. Sau đó để cho họ tự đánh giá cuộc đời của bản thân mình, căn cứ vào cuộc đời của bản thân mình đã tạo nghiệp thiện hay là ác để chọn cuộc sống cho đời sau. Điều này cùng với điều ông bà ta đã nói có điểm như nhau.
Ông bà thường nhắc nhở chúng ta trên đầu ba thước có Thần linh, cho nên các vị Thần linh họ có thể giám sát chúng ta suốt cả cuộc đời. Không nên cho rằng chúng ta đang ở trong phòng thật là kín, nơi mà không ai thấy được để làm việc xấu, hình như là chẳng ai nhìn thấy, nhưng các vị Thần linh này kỳ thực là đang giám sát chúng ta, đợi đến lúc chúng ta lâm chung có thể giống như chiếu một bộ phim, phản chiếu lại các sự kiện chủ yếu của cuộc đời chúng ta.
Những người này họ thường đi đến một biên giới ở phía trước, là đại diện cho ranh giới của cuộc sống này và cuộc sống của kiếp sau. Nếu đi qua rồi thì là cuộc sống của kiếp sau. Những người này họ không có đi qua, nhưng họ lại không muốn quay trở lại, vì quay lại họ cảm thấy thế gian đầy đau khổ, vừa quay trở lại thì phát hiện thấy mình đang nằm trên bàn mổ, trên thân cắm đầy mấy cái ống. Vì vậy lúc này họ chẳng muốn quay trở lại, nhưng lại bị một lực vô hình kéo trở lại, kết quả là họ hồi tỉnh trở lại. Sau khi họ tỉnh trở lại liền kể cho bác sĩ những điều họ vừa thấy, vừa nghe được, đây chính là thể nghiệm phổ biến về cận cái chết.
Chúng ta vừa nói đây chỉ là một số ít người họ có thể duy trì sự tỉnh táo, vì vậy họ có thể nhìn thấy được nhiều cảnh giới khá là tốt đẹp. Những người bị hôn mê đương nhiên thể nghiệm cận cái chết chúng ta không có cách nào để biết được, bởi vì họ đã quên hết. Tuy nhiên cũng không phải tất cả mọi người đều thấy cảnh giới tốt đẹp như vậy, cũng có những thể nghiệm cận cái chết rất đáng sợ.
Thí dụ trong tác phẩm nghiên cứu khoa học “Ấn Tượng Thiên Đường, Một Trăm Người Sống Lại Sau Khi Chết Đã Kể Lại Chuyện”, có đăng 100 thể nghiệm cận với cái chết, trong đó có một cuộc nói chuyện của vị cảnh sát trưởng người Đức. Vị cảnh sát trưởng này đối với dân rất thô lỗ, rất lạnh nhạt, rất khắc nghiệt, một chút tình yêu thương cũng không có. Kết quả ông có một lần thể nghiệm cận cái chết rất là đáng sợ. Sau khi linh hồn của ông ta rời khỏi thể xác, ông liền phát hiện có rất nhiều hồn ma tàn độc hung ác xúm lại bao vây quanh ông. Trong đó có một hồn ma miệng đầy máu, há to như cái chậu muốn nhào đến cắn ông, rất là đáng sợ. Vì vậy chúng ta biết rằng, cuộc đời này nếu như có quá nhiều ác niệm, trong lòng không có tình thương yêu, người như thế lúc lâm chung thường thường chiêu cảm những cảnh tượng đáng sợ như vậy.
Trên thực tế vào khoảng 3.000 năm trước, Phật giáo đã nghiên cứu đối với thực nghiệm cận với cái chết. Bạn xem trong Kinh Phật, bộ Kinh rất nổi tiếng là “Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh” có một đoạn miêu tả thể nghiệm cận cái chết: “Người làm thiện ở cõi Diêm Phù Đề đến lúc lâm chung lại có trăm ngàn ác đạo quỷ thần hoặc biến ra hình cha mẹ, thậm chí thành người thân thuộc tiếp đón người chết dẫn vào đường ác, huống hồ là những người làm ác”. Bạn xem, điều này chính là nói về thể nghiệm cận với cái chết. Ở đây nói Diêm Phù Đề chính là ở trên quả địa cầu của chúng ta. Người ở trên quả địa cầu này cho dù bạn là người thiện, đến lúc bạn lâm chung đều phải thấy những ác đạo quỷ thần biến thành người thân quyến thuộc (những người đó thực sự là do trong cuộc sống quá khứ bạn đã kết oán thân trái chủ với họ) đến lôi kéo làm cho bạn mê hoặc đi vào trong ác đạo chịu khổ (ác đạo chính là tên gọi của địa ngục – ngạ quỷ – súc sanh, ba đường ác), huống hồ chi là người làm ác.
Vì vậy, trong Kinh cảnh tỉnh chúng ta, tuy là người đại thiện (cho dù là làm thiện cả đời này), nhưng khó tránh khỏi trong cuộc sống quá khứ có thể đã kết oán với người ta. Những oán thân trái chủ này nhân cơ hội bạn đang trong giờ phút lâm chung đến để đòi nợ, để báo oán. Cho nên, nhắc nhở chúng ta phải niệm Phật. Trong “Kinh Địa Tạng” nói với chúng ta rằng: “Trong giờ phút lâm chung, nếu niệm được một danh hiệu Phật, một danh hiệu Bồ Tát, một danh hiệu Bích Chi Phật, không cần biết có tội hay không có tội đều được giải thoát”. Cho nên, người tu Tịnh Độ trong giờ phút lâm chung nhớ niệm Phật A Di Đà, không những các oán thân trái chủ ở trong cuộc đời quá khứ cả thảy đều bỏ đi, mà trong lúc chúng ta đang niệm Phật liền thấy Phật A Di Đà đến tiếp dẫn chúng ta vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc .
Có thể nói, lấy thực nghiệm khoa học chứng thực đối với nghiên cứu có sự tồn tại của linh hồn, thứ nhất là một vị bác sĩ người Anh, Tiến sĩ Sam Parnia. Thực nghiệm của ông rất đơn giản. Ông thực hiện đối với hơn 100 người bệnh cận cái chết (người sắp chết), đều đang nằm ở trên bàn phẫu thuật tiến hành cấp cứu. Ông liền dùng một tấm gỗ, bên trên thả vài vật thể nhỏ (đồ vật nhỏ) treo ở trên giường bệnh bên trên bàn phẫu thuật trên trần nhà. Người bệnh không nhìn thấy vật thể nhỏ này, chỉ có vị bác sĩ này biết được treo ở bên trên là đồ vật gì. Lý luận của ông ta là nếu như bệnh nhân có linh hồn, sau khi hôn mê qua đời họ sẽ bay lên phía trên, có thể nhìn thấy được bên trên tấm gỗ có treo đồ vật gì. Sau khi họ hồi tỉnh lại có thể nói với bác sĩ, đây chính là chứng thực họ có linh hồn. Chỉ cần có một người có thể nói ra được, điều đó chứng thực thật sự là có linh hồn. Kết quả của vị bác sĩ này đối với hơn 100 bệnh nhân đều tiến hành thực nghiệm giống như vậy. Đương nhiên không nhất định mỗi người đều có thể được cứu sống lại từ trên bàn phẫu thuật, trên thực tế chỉ có bảy người. Bảy người sau khi được cứu sống lại có thể nói ra được ở bên trên tấm gỗ là treo đồ vật gì. Cho nên ông là người đầu tiên trên thế giới dùng thí nghiệm của khoa học để chứng minh có linh hồn tồn tại.
Cùng với thí nghiệm của vị Tiến sĩ Parnia cũng có những điểm như nhau. Vị tiến sĩ Charles Tart ở Trường Đại học California của Hoa Kỳ cũng dùng thí nghiệm khoa học để chứng minh có linh hồn. Đối tượng nghiên cứu của ông không phải là những người sắp chết mà ông nghiên cứu những người trong trạng thái khỏe mạnh có thể có linh hồn xuất ra khỏi cơ thể. Trong đó có một người phụ nữ có thể xuất hồn ra khỏi cơ thể, thế là Tiến sĩ Tart mời cô ấy đến một phòng thí nghiệm, để cô ấy nằm trên giường. Trước khi cô ấy xuất hồn ra khỏi cơ thể, có đặt một mảnh giấy ở trên một cái kệ thật cao trước đó, trên bề mặt của tờ giấy này có in năm con số ngẫu nhiên. Nếu như người phụ nữ này có thể xuất hồn ra khỏi cơ thể thì có thể nhìn thấy được năm con số đã viết ngẫu nhiên ở trên mảnh giấy. Đợi cô ta sau khi hồn nhập vào xác có thể nói ra, điều này sẽ chứng minh là có linh hồn. Kết quả của thí nghiệm này được lặp đi lặp lại, mỗi lần làm thí nghiệm thì người phụ nữ này đều nói chính xác. Đặt ở trên một cái kệ thật cao, cơ thể của người phụ nữ này không có cách nào tiếp xúc được, không có cách nào nhìn thấy được ở chỗ đó để có thể nói chính xác những con số được ghi trên mảnh giấy.
Chúng ta biết rằng, xác suất về điểm số học có thể đoán trúng năm con số được ghi ngẫu nhiên ở trên mảnh giấy là một phần mười lũy thừa năm (1/105), chính là 1/100.000, cũng có nghĩa là làm thí nghiệm 100.000 lần chỉ có một lần đoán trúng, như vậy mới phù hợp với xác suất này. Không ngờ rằng người phụ nữ này mỗi lần thí nghiệm cô đều đoán trúng, điều này chứng minh thật sự có linh hồn. Linh hồn này sau khi rời khỏi cơ thể vẫn có thể nhìn thấy, có thể nhớ được những con số ở trên mảnh giấy, có thể kể lại cho Tiến sĩ Tart. Do đó, những thí nghiệm này cho chúng ta một kết luận: “Thật sự là có linh hồn tồn tại. Linh hồn là chủ thể của con người đi đầu thai chuyển kiếp”.
Tiếp theo, tôi xin kể cho mọi người nghe một câu chuyện có thật được xuất bản trong một quyển sách ở nước Anh, được viết vào năm 1992. Câu chuyện này kể về linh hồn đi mua nhà. Bạn xem, linh hồn mà cũng biết đi mua nhà nữa! Có một người phụ nữ có thói quen xuất hồn ra khỏi cơ thể, thường thường là xuất hồn ra bên ngoài để đi tham quan du lịch. Có một lần, linh hồn của người phụ nữ này gặp một ngôi nhà. Cô rất thích ngôi nhà này. Về sau, có mấy lần trong khi linh hồn rời khỏi cơ thể, cô ta lại đến xem ngôi nhà này, càng xem lại càng thích. Căn nhà này từ trong ra ngoài hình dáng trang trí cô đều rất thích, nhưng mà cô lại không biết căn nhà này ở nơi nào.
Sau này cô cùng chồng của cô chuyển nhà từ Ireland đến Luân Đôn (London) nước Anh. Đi đến một chỗ mới, công việc trước tiên đương nhiên là phải đi tìm một ngôi nhà, cho nên vội vàng đi lấy báo để xem quảng cáo. Tìm được một ngôi nhà rất rẻ đang đăng quảng cáo để bán, thế là cô tìm đến cơ sở môi giới bất động sản để đi xem nhà. Kết quả vừa nhìn thấy ngôi nhà này chính là ngôi nhà linh hồn sau khi ra khỏi thể xác đã nhìn thấy. Đương nhiên cô rất vui mừng. Vừa hỏi thăm, người môi giới nói với cô ấy: “Ngôi nhà này bên trong bị ma ám cho nên bán rẻ như vậy. Bởi vì người chủ nhà cả ngày đều thấy ma ở trong căn nhà này, cho nên muốn bán gấp cho rảnh nợ”. Người phụ nữ này cảm thấy căn nhà này chính là ngôi nhà mà cô hằng mơ ước, thế là quyết định phải mua liền, hẹn chủ nhà đến gặp mặt để thương lượng giá cả. Khi chủ nhà đến gặp mặt, vừa thấy mặt cô này liền giật mình la lên: “Cô chính là con ma mà tôi đã gặp”.
Bạn xem, ông chủ nhà này đã từng gặp mặt người phụ nữ đó nhiều lần lắm rồi. Thì ra, hồn của người phụ nữ này đã bay đến căn nhà đó, thường xuyên nhìn thấy mặt người chủ nhà. Người chủ nhà cho rằng bị ma ám. Có thể nhìn thấy rõ linh hồn của cô sau khi rời thể xác thì có thể tự tại đến như vậy, có thể bay từ Ireland đến Luân Đôn rất nhanh. Bạn xem, chúng ta nhìn lên bản đồ, Ireland và Luân Đôn cách nhau ít lắm cũng khoảng 400km, không ngờ rằng linh hồn cô này sau khi rời khỏi thể xác có thể bay rất nhanh giữa hai nơi này, không bị hạn chế về không gian và thời gian.
Cái thể xác của chúng ta thì không thể, thể xác chúng ta bị hạn chế về không gian và thời gian, không thể tự tại bay tự do giữa nơi này đến nơi kia. Vì vậy, khi linh hồn đang ở bên trong thể xác của chúng ta thì bị thể xác này chướng ngại. Ngày xưa Lão Tử có dạy cho chúng ta: “Ngô chi đại hoạn vi ngô hữu thân”, ý nói cái khổ lớn nhất của ta chính là vì ta có cái thân này. Vì sao vậy? Là cái thể xác này giam cầm cái linh hồn của ta, không thể để cho linh hồn của ta tự do tự tại, muốn đi ra ngoài tham quan du lịch thì tương đối khó khăn.
Con người thời nay vì cái thể xác này, cần phải làm thỏa mãn ham muốn của thể xác này, vì năm dục tài – sắc – danh – thực – thùy này làm rất nhiều điều tự tư tự lợi tổn người lợi mình, những việc trái với lương tâm. Vì vậy linh hồn vốn là chủ nhân của cơ thể bằng thịt nhưng bây giờ trở thành nô lệ cho thể xác, vì cái thể xác này mà bôn ba, mà tạo nghiệp. Cũng vì cái thể xác này mà đã tạo tác nhiều nghiệp ác, thật sự là gây nợ cho cái linh hồn này.
Cho nên phải chân thật hiểu rõ chân tướng khoa học của con người, hiểu được thể xác không phải là chủ thể của chúng ta. Giống như quần áo vậy, mặc mấy mươi năm đã cũ thì phải vứt bỏ để thay bộ quần áo mới. Chủ thể thật sự của chúng ta là linh hồn. Mấu chốt là phải làm như thế nào để nâng cao đời sống tâm linh của chúng ta. Ngày nay người ta không hiểu, cả ngày tìm mọi cách để bồi bổ cái thân này, vì cái thể xác này mà thật sự tìm đủ mọi cách suy nghĩ nát óc. Đâu ngờ rằng cái thể xác này chỉ tồn tại ngắn ngủi, nó không phải là vĩnh hằng. Chân thật vĩnh hằng là đời sống tâm linh của chúng ta. Vì vậy, bồi bổ thân thì không bằng tu dưỡng tâm.
Chúng ta hãy xem, mỗi một đời, mỗi một kiếp luân hồi của con người, cái linh hồn không phải là giống như tìm một căn nhà hay sao? Tìm được cái thân thì giống như tìm được ngôi nhà vậy. Căn nhà này chỉ cư trú được có mấy chục năm, căn nhà có lúc sẽ cũ, có lúc sẽ bị hư hoại, lúc này thì cần đổi căn nhà khác. Cho nên mấu chốt vấn đề là chúng ta đổi căn nhà đó có phải là tốt hơn so với căn nhà hiện tại của chúng ta không? Làm thế nào để căn nhà đã đổi của chúng ta càng tốt hơn? Đó chính là tu thiện nghiệp, “Thiện có thiện báo, ác có ác báo”.
Cho nên những thí nghiệm khoa học, những phát hiện của khoa học đã cho chúng ta rất nhiều khởi phát. Hiện nay nghiên cứu khoa học về linh hồn thực sự là rất đa dạng, vô cùng sâu sắc. Có những nhà vật lí học lại có thể sử dụng cơ học lượng tử, vật lí học hiện đại này để nghiên cứu linh hồn. Giống như Tiến sĩ Amit, một nhà nghiên cứu thâm niên nổi tiếng của Viện Nghiên cứu Khoa học về tư duy Hoa Kỳ, ông dùng cơ học lượng tử để chứng minh sự tồn tại của linh hồn là có nền tảng lý luận, cho nên ông phát biểu trong tác phẩm “Vật Lí Học Về Linh Hồn”của ông. Chúng ta xem linh hồn có thể bay, có thể thấy, có thể làm việc, có thể đi mua nhà, chứng minh rằng linh hồn có năng lượng, cho nên ông mới sử dụng quan điểm của khoa học để tiến hành chứng minh. Về khía cạnh nghiên cứu của ngành học này thật sự vô cùng sâu sắc, vì vấn đề thời gian nên không thể bàn sâu hơn, cho nên chúng ta chỉ nói đến chỗ này để đi tiếp vào lĩnh vực thứ hai của nghiên cứu khoa học.
THỨ HAI, ĐIỀU TRA NHỮNG NGƯỜI CÓ THỂ NHỚ ĐƯỢC TIỀN KIẾP CỦA MÌNH.
Điều nghiên cứu thứ hai về luân hồi chuyển kiếp của Phương Tây là lập hồ sơ điều tra nghiên cứu những người có thể nhớ được tiền kiếp của mình. Về lĩnh vực nghiên cứu này có thể lấy Giáo sư Stevenson làm tiêu biểu. Ông đã áp dụng phương pháp nghiên cứu khoa học truyền thống để tiến hành nghiên cứu, quy nạp thành “Phát hiện đối tượng”. Trước tiên phải tìm được một đứa trẻ có thể nhớ được tiền kiếp của mình, đây là phát hiện đối tượng. Sau đó “Thu thập tư liệu”, chính là bắt đầu tiến hành sưu tập tư liệu. Tiếp theo là “Lập hồ sơ chất vấn”. Sau đó gặp mặt để đối chứng, thậm chí phải tìm đến gia đình của đứa trẻ kiếp trước đã sống để tìm chứng cứ. Cuối cùng là “Theo dõi quan sát” và “Viết báo cáo”.
Khoa Học Chứng Minh Nhân Quả và Luân Hồi
Giám định: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Người giảng: Tiến Sĩ Chung Mao Sâm